10-02-2014 09:15
Một năm khởi đầu bằng mùa Xuân. Xuân khởi đầu bằng tết và du xuân. Chuyến du xuân đầu năm thuận lợi ý nguyện cho một năm sẽ nhiều thuận lợi, “thuận buồm xuôi gió”, không gì trở ngại. Năm Giáp ngọ - năm mà theo quan niệm dân gian sẽ là một năm được đi nhiều, đi như những bước chân phi của ngựa. Du Xuân năm nay, khởi đầu cho mọi sự ấy của tôi là chuyến hành hương về Chùa Thầy, Chùa Tây Phương và Chùa Mía, Hà Nội.
Tạm xa thành phố Thái Nguyên trong 12 tiếng đồng hồ (từ 5h00 sáng đến 17h00 ngày 10 tháng Giêng năm Giáp ngọ), đoàn chúng tôi xuôi về mảnh đất Quốc Oai, Hà Tây xưa, nay là Hà Nội để dâng hương Chùa Thầy.
Chùa Thầy nằm dưới chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 20 km về phía Tây nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong quãng đời sau cùng của thiền sư cho đến ngày thoát xác theo dòng Thiền Tì na đa lưu chi. Phái Thiền này đã trải qua 19 đời (19 thế hệ) và thế hệ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh là đời thứ 12.
Về với Chùa Thầy trong lần thứ hai trong đời, trong tôi nhớ về những câu thơ cũ với điển tích tu hành của Thiền sư: “Lẫn với bụi đời tự bấy lâu. Chân tâm vang ngọc biết tìm đâu?. Cúi xin rộng mở bày phương tiện. Thấy được chân như sạch khổ sầu” và “Trong ngọc vang ra tiếng diệu huyền. Mỗi âm đều hiển lộ tâm thiền. Bồ đề hiện rõ ngay tầm mắt. Tìm kiếm lại càng ngăn cách thêm”
Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện thờ Phật , điện thờ Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông.
Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con Rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân có hàm rồng. Về chùa Thầy hôm nay tôi đã có dịp chiêm ngưỡng lại các thắng cảnh núi non, chùa thiêng này.
Cùng trong chuyến du Xuân, tôi đã ghé lại Chùa Tây phương ở Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Bước đi chậm dãi trong chùa, tận mắt ngắm lại 72 pho tượng và chân dung các vị La Hán, lại bồi hồi đọc lại những câu thơ của Huy Cận:
“Các vị La Hán chùa Tây Phương. Tôi đến thăm về lòng vấn vương. Há chẳng phải đây là xứ Phật. Mà sao ai nấy mặt đau thương?” …
Và lần đầu thăm Chùa Mía ở xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Xưa kia, vùng này là Cam Giá, tên Nôm là Mía, nên chùa này được quen gọi là chùa Mía. Đây là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam. Chùa Mía khá nổi tiếng với 287 pho tượng lớn, nhỏ. Trong đó có 6 pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng bằng đất luyện được sơn son thếp vàng. Người làng Mía có câu ca dao về pho tượng "Nổi danh chùa Mía làng ta, Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm".
Lưu hình ảnh tại Tháp Cửu phẩm Liên Hoa ở Chùa Mía
Chuyến du xuân đầu năm của tôi đã khép lại. Một chút lưu luyến nhẹ đi qua vì vẫn còn nhiều lắm những am, những Chùa, những Đền … tại mảnh đất Hà Tây xưa tôi chưa được đặt chân đến. Hẹn những mùa du xuân năm sau nhé. Chúc năm Ngọ - mã đáo thành công, phi những bước dài, bước đại trên con đường sức khỏe - công danh - tiền tài thênh thang …. cho những ai cùng trong chuyến hành hương, du xuân hôm ấy!
Chu Hồng Đông . Mùng 10 tháng Giêng, Giáp ngọ