Đăng nhập
WEBSITE CÁ NHÂN CỦA TÁC GIẢ CHU HỒNG ĐÔNG. NƠI LƯU GIỮ VÀ GIỚI THIỆU CÁC BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ. CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐÓN ĐỌC CÁC BÀI VIẾT TRÊN TRANG NHÀ CỦA CHU HỒNG ĐÔNG. XIN GHI RÕ TÊN TÁC GIẢ KHI SỬ DỤNG LẠI CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE




Từ khóa
Danh mục

MÙA XUÂN CỦA MẸ - TẾT 2008

21-01-2014 07:32

Mùa Xuân này, mùa Xuân đầu tiên xa vĩnh viễn ông ngoại. Đón Xuân mới con nhớ lại những kỷ niệm đẹp của cái Tết cuối cùng con được ở bên ông. Tết 2008 …

Ngày 23 Tết năm nay đến sớm hơn tôi tưởng. Tôi thoáng nghĩ trong đầu điều ấy vì vào giờ này như mọi ngày 23 tháng Chạp khác, tôi như đứa trẻ con háo hức đi chợ cùng mẹ, mua quần áo vàng mã và cá chép, rồi thổn thức chờ đến chiều tối mang cá ra sông Cầu thả phóng sinh, 23 tháng Chạp năm nay khác hẳn. Tôi đang trong chuyến đi Khảo sát xa nhà cả gần trăm cây số. Tôi đi trong cái rét lạnh căm của đất trời miền Bắc, giữa những núi đồi bạt ngàn cọ xanh của xứ trung du, đâu đây trên con đường đất tôi đi những nụ đào hé nở, mùa Xuân ơi đã thực sự về …

 

 Chẳng hẹn bao giờ nhưng thế rồi Xuân vẫn đến, cái cảm giác bâng khuâng được thổi bùng lên khi đâu đây trong những nếp nhà sàn vọng lại lời hát của danh ca Chế Linh “ Mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi …. Dẫu gì rồi con cũng về, chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi” ( Trịnh Lâm Ngân).

Cả đoàn công tác khẩn trương hoàn thành công việc của mình để lên xe về thành phố. 8 giờ tối, bố mẹ vẫn đợi tôi về để cúng ông Công ông Táo, mọi thứ như mọi lần đã được mẹ chuẩn bị đầy đủ. Mâm cơm cúng Táo quân năm nay có vẻ thịnh soạn hơn rất nhiều chắc mẹ  biết năm nay gia đình có nhiều sự kiện để Táo báo cáo với Ngọc Hoàng nên chu đáo hơn cũng là lẽ tất nhiên.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi trung du Bắc phần Việt Nam, hai quê nội ngoại đều rất xa nơi tôi đang ở và do nhiều lý do 10 năm rồi xa cách, Tết này tôi về Lâm Đồng (một tỉnh thuộc cao nguyên Trung phần Việt Nam) đón Tân niên bên ông bà ngoại, các bác, cậu mợ và mọi người… Trong niềm xúc động ấy, tôi viết phóng sự này như để giữ lại mãi cho mình cái Hạnh Phúc mà phải mất mười năm đánh đổi. Và để tiếp nối “ Mùa xuân kỉ niệm” đã được tôi viết năm ngoái, “ Mùa xuân của mẹ” năm nay tôi viết dành riêng cho tôi, cho những người sống bên tôi …

Ngày 28 Tết, tôi rời thành phố Thái Nguyên về Lâm Đồng đón Tết. Thái Nguyên đã khoác lên mình chiếc áo mùa Xuân trong cái rét đến ghê người mà mấy chục năm rồi mới lạnh như thế. Tôi rời xa Thái Nguyên cũng để lại trong mình một chút nhớ kì lạ, nhớ cái rét tái tê ngày cuối năm, nhớ chợ Hoa chiều tất niên, nhớ phố phường bình dị, nhớ ngôi nhà quen và Mẹ người cho tôi biết bao yêu thương và khôn lớn.

 Tôi đến sân bay Liên Khương vào 12h15 sau hơn một tiếng đồng hồ cất cánh từ Nội Bài- Hà Nội. Lâm Đồng dần hiện ra khi tôi ngước nhìn từ khung cửa sổ máy bay. Không khác xa nhiều với tưởng tưởng của tôi. Xứ lạnh của vùng đất nóng phương Nam thực sự đẹp. Cái nắng, cái gió, cái lạnh, cái trong và xanh đã đón tôi về Lâm Đồng một ngày Xuân như thế …Ngày 30 Tết đến cũng như trên mọi miền quê khác, ai cũng đều vội vàng lo dọn nhà dọn cửa, mua sắm đồ Tết và chờ đón phút giao thừa thiêng liêng, giờ khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thời khắc giao hoà giữa hai mùa Đông và Xuân. Bên ông bà và những người thân sau nhiều năm không gặp trong giây phút thiêng liêng như thế thật sự làm tôi xúc động.

Bên bà ngoại. Tôi thấy bà rớm nước mắt. Tôi hiểu bà đang cảm động và đang nhớ. Tôi vẫn không quên những chiều ba mươi nào Mẹ tôi cũng khóc vì nhớ bà, nhớ mọi người. Lẽ thường mâm cơm tất niên bao giờ cũng vui lắm vì đoàn tụ nhưng từ chiều 30, tôi đã thấy mẹ buồn. Mẹ nhớ ông bà, nhớ các anh chị, các em và cháu. Hôm nay, tôi cũng bắt gặp nỗi buồn nơi bà ngoại. 

Cùng em Hường. Có lẽ Hường là người em mà tôi thường trao đổi và giữ liên lạc nhiều nhất. Sau nhiều năm gặp lại hình như chúng tôi có một chút bỡ ngỡ vì giản đơn chúng tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều sau 10 năm kể từ ngày xa nhau ấy.

Khi nhà ngoại về Lâm Đồng sinh sống tôi mới vào lớp 9, còn hôm nay tôi đã là một kĩ sư và cũng đã bắt đầu đi làm. Hường cũng thế. Cả hai đã khôn lơn thật rồi.

Cậu Đức là người mẹ tôi thương nhất vì Cậu là con út trong gia đình ngoại nhưng lại chăm lo cho cả ông bà và gia đình. Bác Dư tôi xấu số đã mất cách nay 6 năm. (2002-2008). Bác là nỗi nhớ sâu nhất trong mỗi người những dịp đoàn tụ đón năm mới như này.

 Một số khoảnh khắc đón Giao thừa bên ông bà …

Tết và phong tục Tết trên khắp Việt Nam là căn bản giống nhau, nhưng tuỳ từng vùng vẫn có những tập quán khác.

Miền Bắc do có một mùa đông lạnh nên thường trưng hoa Đào khi Xuân về. Theo dân gian Hoa Đào là của thần Trà Uất Luỹ dùng sua đổi tà ma và yêu quỷ vì Tết là các thần linh trong nhà thường đi vắng. Xuân miền Nam thường trưng Hoa Mai về căn bản ý  nghĩa không khác nhiều như trưng Hoa Đào ở mìên Bắc. Với một cành Đào đỏ sắc miền Bắc. Hay một chậu Mai vàng miền Nam. Và thú xin chữ, chơi chữ của người dân miền Bắc mỗi dịp Xuân về. Trong Tết, trước cửa nhà thường treo chữ “Phúc” được viết theo Hán ngữ với ý ý nghĩa sua đuổi những điều rủi, tránh bị hoạ trộm cắp và tai nạn trong năm tới. Hay một ban thờ ông Địa và thần Tài của người dân miền Nam với ý ý nghĩa làm ăn gặp nhiều tài Lộc. Ban thờ ông Địa và thần Tài thường đặt dưới đất nơi góc cửa.

Mùng 1 Tết. Chuyến du Xuân đầu năm bao giờ cũng là đền và chùa. Về nơi đất Phật, đất Thánh trong những ngày đầu năm để cầu chúc muôn điều may mắn, vạn sự như ý cho 365 ngày tới của  một năm, và để rũ bỏ những gì rủi ro, đau buồn của 365 ngày của năm cũ.

 Sáng mùng một Tết trời hơi mưa

Mưa Xuân qua lối hò hẹn xưa

Du Xuân tôi lên chùa làm lễ

Mong một năm bình, một năm vui …

                            ( Chu Hồng Đông)

 Đi lễ đầu năm là một phong tục đẹp của dân tộc ta. Người dân miền Nam thường chú trọng đến mộ phần của thân nhân trong ngày Tết hơn. Mùng 1 Tết họ thường tập trung về nghĩa địa, nơi người thân nằm lại để cùng thắp nhang cho người quá cố. Người dân miền Bắc thường làm việc này trong Tết Thanh Minh tháng 3 âm lịch hàng năm.

 Trước mộ phần bác Dư một ngày đầu năm Mậu Tý - 2008. 

Lâm Đồng và Đà Lạt, xứ sở các loài hoa không khác nhiều với tưởng tượng của tôi. Mệnh danh thành phố ngàn Hoa, Đà Lạt mới đích thực là thế  giới muôn hồng ngàn tía, nơi dưới bàn tay nghệ nhân, hoa đã trở nên sống động, cùng con người lãng du qua thăng trầm nhịp sống nhân gian. Đã là truyền thống, Hoa luôn gắn bó cùng cuộc sống người Đà Lạt, hoa luôn gắn bó cùng cuộc sống của người Đà Lạt, hoa hiện diện trên mọi nẻo đường, là thành phần không thể thiếu được để tạo nên hình ảnh thành phố cao nguyên lãng mạn sương mù, càng quyến rũ hơn trong thời khắc đón chào năm mới. Chênh vênh đường lên Đà Lạt ngày Xuân. Dạo qua những khuôn viên chàn ngập Hoa và ánh nắng. Vui đứng giữa rừng thông Đà Lạt, nghe gió lao xao qua những tán thông già. 

Và lang thang chơi chợ Đà Lạt một ngày đầu năm. 

Những thảm hoa mọc tự nhiên lan theo mỗi bước chân tôi qua phố phường Đà Lạt. Hoa dọc hai bên đường nối từ khu vực Hồ Xuân Hương lên tới nhà thờ Đức Bà, toả ra những cánh rừng thông bao bọc quanh thành phố.

Chỉ ở Đà Lạt có vài tiếng đồng hồ nhưng tôi đã yêu cái thành phố ấy mất rồi. Trên đường xa Đà Lạt, dừng chân dưới đèo Prenn, ngắm và nghe thác Prenn đổ trong cái hiu hiu gió thổi của một chiều xuân Đà Lạt. Hoá ra Đà Lạt đẹp, thơ nhưng cũng đượm buồn như nhiều ca khúc, nhiều áng thơ mà tôi đã được đọc và nghe về thành phố sương mù này. Sắp xa Đà Lạt, chắc rồi nơi đây sẽ để lại trong tôi một niềm nhớ.

 Theo phong tục thì 3 ngày Tết của người Việt có ba sự gặp gỡ quan trọng. Đó là sự gặp gỡ các Thần linh, thổ công và Táo quân. Thứ hai là sự gặp gỡ tổ tiên, ông bà về xum họp cùng con cháu. Sau cùng là mọi thành viên trong gia đình dù có làm ăn bươn trải phương nào cũng về nhà để gặp gỡ, sum họp gia đình. Ba ngày Tết cả nhà đoàn viên bên mái ấm. Và tấm lòng được thể hiện một cách thực tiễn qua mâm cỗ cúng. Mâm cỗ cúng tổ tiên ông bà cầu sự phù hộ cho con cháu hạnh phúc. Sau đó con cháu cùng nhau ăn cỗ Tết nhằm hưởng phúc, lộc mà trời đất, tổ tiên đã chứng giám sự thỉnh cầu mọi điều tốt lành cho năm mới.

 Mâm cỗ Bắc thường theo đúng bài bản. Cỗ thường gồm 4 đĩa, 4 bát: Hai đĩa thịt gà và heo, 1 đĩa nem thính, 1 đĩa giò lụa. Bốn bát gồm : Bát ninh, bát măng, bát miến, bát mộc. Đầu bữa các món ăn ở đĩa nhắm với rượu và xôi, phần sau ăn cơm với các món  ăn đơm trên bát.

Mâm cỗ miền Nam với những món nguội căn bản như chả, gỏi, nem, bì, giò, lạp xưởng tươi, gỏi ngó sen, gỏi gà luộc xé phay trộn củ kiệu, canh khổ qua. Món canh khổ qua với mong muốn sự cơ cực qua đi và đón chào năm mới tốt đẹp hơn. Đặc biệt là món bánh tét nhân mỡ, ăn với củ cải ngâm nước mắm …

Tuy nhiên trong bầy mâm ngũ quả ngày Tết, người Nam thường bày theo ý ý nghĩa, gồm các trái căn bản là : Cầu, Dừa, Đủ, Xoài… Còn miền Bắc được bầy theo ngũ sắc, tức là theo 5 mầu hoa quả cơ bản như : Xanh, đỏ, vàng, tím, cam.

 Xuân trên quê hương mỗi nơi một khác, nhưng vẫn thống nhất ở một điểm là mọi thứ đều nhằm cầu chúc cho năm tới bình an, nhiều sức khoẻ, và mọi điều như mong muốn. 

Tôi đã có một Xuân xa gia đình nhưng thật vui và nhiều ý nghĩa, được học hỏi thêm rất nhiều về các phong tục Việt Nam để từ đó yêu quê hương mình hơn, dù trong Nam hay ngoài Bắc, dù miền ngược, trung du hay miền xuôi, tất cả đều đón Xuân về an bình hạnh phúc.

Bản quyền Bài và ảnh : Chu Hồng Đông - Mùa Xuân 2008 - Tại Lâm Đồng.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 



Số sản phẩm : 0
Thành tiền : VND
Xem giỏ hàng

© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622 
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.

Tự tạo website với Webmienphi.vn