Trong chốn tâm linh huyền bí, có những điều không lý giải được. Như tâm niệm của tôi là thêm một lần thôi được đến dâng hương tại ngôi Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên, Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên chẳng hạn sẽ thấy thanh thản hơn biết nhường nào. Ngôi đền tự lâu trở lên linh thiêng với nhân dân trong vùng và các tỉnh lân cận về xin Lộc làm ăn, sức khỏe, quan trường.Và lựa chọn trong bao danh thắng của Thái Nguyên, Tết Nguyên tiêu, rằm tháng Giêng năm nay tôi đã chọn về với Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên, Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Từ lâu trong tôi hình thành thói quen đi Lễ. Ngày mùng 1 đầu tháng sẽ là đi lễ cửa Chùa về với Phật. Ngày rằm trăng sáng là đi lễ cửa Thánh ở các Đền. Và cái duyên ấy của ngày rằm đầu tiên năm nay với tôi chính là được đi lễ tại cửa thánh tại Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên. Sau chặng đường 24km từ trung tâm thành phố Thái Nguyên, qua Đường tỉnh 269 và 2,5 km đường rừng chúng tôi đã đến được với cửa Đền. Nằm sâu trong núi, Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên Thái Nguyên gắn với nhiều truyền thuyết lạ. Tôi gọi vậy vì trong tâm linh đã có nhiều cách hiểu khác nhau về ngôi Đền thiêng này do người dân hư cấu...Trong chốn Tứ phủ. Quan Hoàng Bẩy là con Đức Vua Cha. Theo lệnh vua, ông giáng phàm trần, trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, cuối thời Lê. Vào triều Lê Cảnh Hưng, có giặc Trung Quốc từ Vân Nam tràn sang cướp bóc, đốt phá. Triều đình bèn cử ông, dọc theo sông Hồng, lên đánh đuổi quân giặc và trấn giữ vùng biên ải nơi Bảo Hà, Lào Cai. Tại đất Bảo Hà, ông thống lĩnh lục thủy, đánh đuổi quân giặc về vùng Vân Nam, sau đó ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng lên khẩn điền lập ấp. Sau này trong một trận chiến đấu không cân sức, Ông Bảy bị giặc bắt, chúng tra khảo hành hạ dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, quyết không đầu hàng, cuối cùng, không làm gì được, chúng sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông. Kì lạ thay, di quan của ông dọc theo sông Hồng, trôi đến phà Trái Hút, Bảo Hà, Lào Cai thì dừng lại. Còn một điều kì lạ nữa là khi ông bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa), từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang, phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội. Sau này khi hiển linh ông được giao quyền cho trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà, đến lúc này ông nổi tiếng là một Ông Hoàng không chỉ giỏi kiếm cung mà còn rất ăn chơi, phong lưu: khi thanh nhàn ông ngả bàn đèn, uống trà mạn Long Tỉnh, ngồi chơi tổ tôm, tam cúc, xóc đĩa... lúc nào cũng có thập nhị tiên nàng hầu cận, ông cũng luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu. Triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc - Ông Hoàng Bảy Bảo Hà”.Ông Bảy là Ông Hoàng hay ngự về đồng nhất, cũng bởi vì trong hàng Tứ Phủ Ông Hoàng, ông rất hay chấm lính bắt đồng (có quan niệm cho rằng, những người nào mà sát căn Ông Bảy thì thường thích uống trà tàu, hay đánh tổ tôm, xóc đĩa...). Khi ngự về đồng, ông thường mặc áo lam hoặc tím chàm (thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét lam, cài chiếc kim lệch màu ngọc thạch. Ông ngự về tấu hương, khai quang rồi cầm đôi hèo, cưỡi ngựa đi chấm đồng. Đến giá Ông Bảy về ngự, nếu ông ném cây hèo vào người nào thì coi như ông đã chấm đồng người đó. Lúc ông giá ngự, thường dâng ông ba tuần trà tàu rồi thuốc lá có tẩm thuốc phiện. Đền thờ chính của Ông Hoàng Bảy được lập tại nơi năm xưa di hài của ông lưu lại là Đền Bảo Hà, nằm ở chân đồi Cấm, bên bờ thượng lưu sông Hồng, ở bên bến phà Trái Hút, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (Vì thú chơi phong lưu của ông nên nơi ông ngự còn được mệnh danh là Trái Hút Bảo Hà). Ngày tiệc chính của ông là ngày 17/7 âm lịch, vào ngày này, ở đền ông tập nập du khách thập phương đến dâng ông ngựa xám, bàn đèn, thuốc cống, kẹo xìu (kẹo lạc)... Người về lễ tại Đền Quan Hoàng Bẩy Bảo Hà thường mang theo ước nguyện về làm ăn và vận đen đỏ.Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên, Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên là nơi thờ vọng ông. Có giả thuyết cho rằng quê gốc Quan Hoàng Bẩy, Bảo Hà là ở Thái Nguyên xưa, sau khi mất, mộ ông được di rời về đây (Chưa kiểm chứng qua Lịch sử). Có giả thuyết lại nói rằng Đền này Thờ ông Hoàng Bẩy là thủ lĩnh của vùng, có công giúp dân trong khai hoang, lập ấp, chăn nuôi .... Sau khi mất nhân dân tưởng nhớ ông lập Đền thờ ông tại Trại Cau, Đồng Hỷ, Thái Nguyên (Như vậy, không phải là Quan Hoàng Bẩy, trong tứ phủ mà chỉ do ngẫu nhiên trùng tên ông Bẩy) ... Tuy vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên nhưng trong tâm linh của tôi và không ít người, Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên, Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên vẫn là nơi thờ Quan Hoàng Bẩy trong tứ phủ, linh ứng từ Trại Cau, Đồng Hỷ, Thái Nguyên.Những ai chưa có dịp dâng hương tưởng nhớ ngài từ Bảo Hà, Lào Cai vẫn có thể về đây dâng lễ. Tại Đá Thiên hôm nay, ngoài lăng mộ của ông (Tương truyền là nơi giữ hài cốt của Quan Hoàng Bẩy - Chưa kiểm chứng qua lịch sử. Hiện trạng là một lăng mộ xây trên nấm đất mối đùn thành gò) đã có thêm Lầu thờ Đức vua cha Ngọc Hoàng, Thượng đế và quan Nam Tào - Bắc Đầu; Một động sơn trang hình quả núi, trên đỉnh núi có thờ Quốc mẫu âu cơ, bên trong động thờ tam tòa chúa bói, tứ phủ thánh chầu và các cô sơn trang (Hiện đã có nhiều người dân theo tín ngưỡng đến Đền hầu thánh và mở phủ rất linh)...