Đăng nhập
WEBSITE CÁ NHÂN CỦA TÁC GIẢ CHU HỒNG ĐÔNG. NƠI LƯU GIỮ VÀ GIỚI THIỆU CÁC BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ. CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐÓN ĐỌC CÁC BÀI VIẾT TRÊN TRANG NHÀ CỦA CHU HỒNG ĐÔNG. XIN GHI RÕ TÊN TÁC GIẢ KHI SỬ DỤNG LẠI CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE




Từ khóa
Danh mục

MỘT THOÁNG EM ĐI CHỢ THÁI

Cảm nhận về một bài thơ hay viết  về Thái Nguyên, quê hương của tác giả Chu Hồng Đông 

MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG

 
"Quê hương là gì hả mẹ
Mà sao cô giáo dậy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều"
Mỗi người trong chúng ta đều có một cách định nghĩa riêng về quê hương của mình. Từ ngàn xưa đến nay, đã bao người đưa ra định nghĩa về quê hương ấy. Mỗi người một vẻ nhưng đều giống nhau ở một điểm Quê hương đều gần gũi và đáng yêu, đáng nhớ.
Với một anh chàng trong ca dao, quê hương có nghĩa là "canh rau muống" là "cà dầm tương":
"Ra đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao"
(Ca dao)
Và quê hương với anh, ngoài các sản vật đặc trưng cho vùng miền, còn có bóng hình một người con gái, tần tảo "dãi nắng, dầm sương", "tát nước bên đường" với công việc đồng áng quanh năm vất vả.
Sau hơn một chút, nhà thơ Giang Nam định nghĩa quê hương là "ngày hai buổi đến trường", là "trang sách nhỏ", là chăn trâu, cắt cỏ để "mơ màng nghe chim hót trên cao" hay là "những ngày trốn học bị đòn roi". Và nắm đất quê hương là một phần sương máu của người thương.
Thủa còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
....
Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn, roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
(Giang Nam)
Nhà thơ Đỗ Trung Quân sau này cũng định nghĩa quê hương thật gần gũi bằng "chùm khế ngọt", là "đường đi học", là "con diều biếc" mà tuổi thơ đem thả trên đồng hay quê hương là "cầu tre nhỏ" ... mà "mẹ về nón lá nghiêng che".
Nhiều những áng văn thơ nữa, của bao lớp văn sỹ hay thi nhân đưa ra để định nghĩa chỉ hai từ thôi QUÊ HƯƠNG.
Hôm nay trong một chuyến đi xa, về tận miền trung đầy nắng và gió. Xa quê hương Thái Nguyên, mảnh đất trung du bắc phần Việt Nam, tôi mới có thêm thời gian để chiêm nghiệm xem "Quê hương là gì hả mẹ" với một người con, sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi đi làm trên quê hương Thái Nguyên như tôi.
Lần tìm trong trí nhớ các tác phẩm văn học hay âm nhạc về quê hương Thái Nguyên, tôi tìm được một ca khúc mượt mà, nói hộ tôi rất nhiều về định nghĩa quê hương Thái Nguyên của tôi. Đó là "Em đi chợ Thái", một tác phẩm âm nhạc được phổ từ thơ của tác giả Phạm Xuân Đương.

Bạn ấn phím Play để thưởng thức ca khúc "Em đi chợ Thái". Lời thơ Phạm Xuân Đương, đặt nhạc Lê Tú Anh. Tiếng hát Anh Thơ diễn xuất.

EM ĐI CHỢ THÁI
 - Thơ: Phạm Xuân Đương.
 - Nhạc: Lê Tú Anh

Em đi chợ Thái, thành phố Thái Nguyên
Qua cầu Bến oánh nơi miền trung du
Đợi chờ em đợi chờ ai
Chờ người tri kỷ tuổi thơ năm nào
Bên sông bến nước con đò
Êm êm một khúc, tơ duyên sông Cầu
Người ơi, này người ơi
Hát rằng câu lượn, câu sli
Thắm tình tình si
Tình lượn mái đình bên sông
Tình em như hoa tím thủy chung
Bên nhau chung sức dựng xây quê mình
Người ơi, này người ơi
Hãy về Bến Tượng mà nghe
Câu hò vườn hoa ngào ngạt đôi bờ  sông quê
Mời anh em nâng chén chè xanh
Xanh như  khúc hát tặng anh đêm hội
 
Ai qua chợ Thái, mời người ghé thăm
Quảng trường lộng gió, Tượng đài trang nghiêm
Qua cầu Gia Bẩy cùng em
Ngọt ngào câu lượn, người quên lối về
Lung linh sóng nước sông Cầu
Trao nhau một mối tơ duyên năm nào
Người ơi này người ơi
Hãy về thăm miền quê tôi
Có (chén) nước chè xanh
Ngọt giọng câu hò thêm vang
Người ơi hãy nhớ đừng quên
Câu sli em hát tặng anh đêm hội
Người ơi này người ơi
Dẫu cho cách trở đôi nơi
Hỡi người, Tình em còn đọng mãi đợi yêu thương
Dù xa anh nhé đừng quên
Yêu em hãy đến Thái Nguyên quê mình
Bài ca em hát tặng anh
Chung tay xây đắp Thái Nguyên quê mình.

Trong nhiều tác phẩm viết về quê tôi, "Em đi chợ Thái" có lẽ gần gũi nhất cho những ai sinh ra ở thành phố Thái Nguyên. Không chỉ bởi được gợi tứ từ một ngôi chợ với kiên trúc hiện đại, mà bài thơ hay ca khúc đã gợi được tất cả về thành phố thân yêu này. Thành phố Thái Nguyên, đô thị loại I, một thành phố trẻ với gần 50 năm xây dựng và trưởng thành.
Cảm nhận về quê hương Thái Nguyên trên phương diện kiến trúc và kết cấu hạ tầng, bài thơ và ca khúc "em đi chợ Thái" đưa ta qua Cầu Bến Oánh; Cầu Gia Bẩy nơi miền trung du, rồi Đường Bến Tượng, Quảng trường lộng gió và Tượng đài trang nghiêm. Những tên đường, tên những nhịp cầu quen thuộc và đặc trưng  cho một đô thị trung du như thành phố Thái Nguyên. Bản thân những tên gọi ấy không gợi nhiều thơ và nhạc nhưng qua sự sắp xếp ngôn từ tài tình của tác giả, nó trở nên đẹp và ý nghĩa. Người thưởng thơ hay nghe nhạc như đang được đi dạo một vòng quanh thành phố thân yêu, được ghé qua những con đường, những cây cầu, những mái đình, vườn hoa hay quảng trường thành phố. Cách đặt nhạc mượt mà khiến lòng người như say đắm hơn với thắng cảnh thành phố thân yêu này. 
Cảm nhận về quê hương trên phương diện văn hóa phi vật thể, Thái Nguyên được nhắc đến với hát giao duyên qua "câu sli" của đồng bào dân tộc Nùng, "câu lượn" của đồng bào dân tộc Tầy. Nếu không hiểu văn hóa hát giao duyên của đồng bào, sẽ có người thắc mắc tại sao tác giả lại nhắc đến "câu hò vườn hoa ngào ngạt đôi bờ sông quê". Hát giao duyên bằng sli hay lượn thường do một đôi trai gái hoặc một vài đôi trai gái thể hiện theo lối đối đáp. Bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước. Người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhạy. Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời Sli để đáp lại. Tiếng hát giao duyên trai gái tình tứ nghe như tiếng hò bên sông Cầu vậy, êm đềm, ru dương, say đắm lòng người. Ai đã trót yêu hai làn điệu dân ca dìu dặt này rồi, xa Thái Nguyên chắc càng thêm nhớ!?
Và sau cùng, nhắc đến Thái Nguyên quê tôi là nhắc đến đặc sản "chè Thái".  Sản phẩm chè Thái có hương vị đặc trưng mà không nơi nào khác có được. Từ rất lâu, chè Thái Nguyên đã được tôn vinh là "đệ nhất danh trà" của đất nước. Chè Thái Nguyên ngon nhất là chè xanh Tân Cương, búp đều, nhỏ, hình móc câu, có vị cốm thơm được pha bằng nước suối đầu nguồn, nuớc sạch ở giữa lòng sông hoặc nước giếng khơi.
Quả vậy, bài thơ ngắn, ca khúc cũng hát trong vòng 5 phút nhưng nói hộ lòng người được bao điều. Nó giúp tôi lý giải tại sao xa Thái Nguyên thấy nhớ lạ lùng. Nhớ phố phường quanh co bình dị, nhớ câu hát giao duyên thắm tình quê hương, nhớ ly trà xanh ngọt giọng người xa xứ.
Sáng mai thôi, giữa mảnh đất miền trung này trong cuộc giao lưu, khi bạn bè hỏi tôi về quê hương Thái Nguyên, ca khúc "Em đi chợ Thái" sẽ thay tôi trả lời tất cả. Mộc mạc, thân thương mà gần gũi.
"Bài ca em hát tặng anh
Chung tay xây đắp Thái Nguyên quê mình"
Tôi viết lên đây, cảm nhận của cá nhân tôi về một thoáng quê hương qua một ca khúc nhẹ nhàng mà thật đẹp. Đối với những người con quê hương Thái Nguyên, đi xa quê lại mong một lần được trở về để "em đi chợ Thái" ... Và với những ai chưa một lần đến Thái Nguyên, nhưng qua câu hát ngọt ngào mời đón, sẽ ước ao trong hành trình của đời mình được một lần đến với quê hương của Chè Thái, của dân ca hát sli, hát lượn, và một đô thị mới mang dáng dấp hiện đại, văn minh, mang đặc trưng của vùng miền núi trung du đang dần hình thành bên bờ sông Cầu thơ mộng.
 

Bài viết: Chu Hồng Đông

Thanh Hóa, tháng 7 năm 2011 - Nhân một chuyến đi xa, nhớ về quê nhà Thái Nguyên.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 



Số sản phẩm : 0
Thành tiền : VND
Xem giỏ hàng

© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622 
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.

Tự tạo website với Webmienphi.vn