06-06-2021 07:57
Vinh dự, tự hào với truyền thống hơn 75 năm “đi trước – mở đường”; Chặng đường lịch sử đã qua, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của các tổ chức đảng và các thế hệ cán bộ, đảng viên đi trước, những “chiến sỹ” trên mặt trận Giao thông vận tải hôm nay đã, đang và sẽ ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó đó là xây dựng hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế và góp phần to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong dòng cảm xúc ấy, nhạc sỹ Hoàng Toản đã đặt bút viết ca khúc “Chặng đường vinh quang Giao thông vận tải Thái Nguyên”. Đây là ca khúc đặc sắc viết về ngành Giao thông vận tải tỉnh nhà, vinh danh những "người phu đường trong thời đại mới" trên quê hương "thủ đô gió ngàn". Phát huy truyền thống anh hùng của ngành, luôn vượt qua gian khó, những người cán bộ ngành GTVT luôn nuôi dưỡng trong tim một nhiệt huyết đi xây những cây cầu, những con đường để nối "những bờ vui". "Còn nhịp đập trái tim" là còn đi xây dựng những con đường, những cây cầu, những công trình làm nên vóc dáng của tỉnh Thái Nguyên đầy "nguy nga", hiện đại, đô hội mà vẫn thơ mộng như "dòng cầu lơ thơ" bao đời vắt ngang thành phố thép anh hùng: Thái Nguyên! Xin giới thiệu cùng bạn yêu nhạc, những người “thợ cầu đường” trong thời đại mới ca khúc: Chặng đường Vinh quang GTVT Thái Nguyên
Ca khúc mở đầu bằng một cuộc hành trình về nguồn, một chuyến xe mang trong mình xứ mệnh kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai:
“Xe ta đi trong nắng thu giữ thủ đô gió ngàn
Trên con đường như thảm lụa dài rộng thênh thang
Nơi đây ghi dấu xưa Bác Hồ trên lưng ngựa
Gập ghềnh đèo dốc cao Bác chỉ lối làm những con đường”
Giữa nắng thu tươi vàng của đất trời Thủ đô gió ngàn, chuyến xe khởi hành nhịp nhàng, nhịp nhàng thẳng lái trên con đường dài, rộng thênh thang như cách nhạc sỹ đưa ta vào ca khúc. Đã đi qua những tháng ngày gian khó, đến Thái Nguyên không còn “đường dài cách trở” với “gập ghềnh đèo dốc” với những khúc sông uốn lượn, chia cắt đôi bờ mà thay bằng những con đường lớn đang mở rộng thênh thang: Quốc lộ 3 cũ, Quốc lộ 3 mới, Đường Hồ Chí Minh, Đường Vành đai 5, Đường liên kết vùng Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc … Những con đường, những cây cầu hiện hữu đang từng ngày góp phần làm thay da, đổi thịt một miền quê trung du vừa đồng, vừa núi.
Thái Nguyên – Vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Thủ đô kháng chiến ATK còn vinh dự, tự hào là nơi ngày 25/12/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 72/SL thành lập Sở Vận tải trực thuộc Bộ Giao thông Công chính - tiền thân của ngành Vận tải ô tô hiện nay tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ. Chuyến xe về nguồn như đang đưa ta ngược dòng lịch sử để về lại “dấu xưa” nơi Bác Hồ kính yêu đã đặt những nền tảng đầu tiên xây dựng và phát triển ngành GTVT. Cùng theo chuyến xe, ngược dòng lịch sử:
“Nơi đây ghi dấu xưa Bác Hồ trên lưng ngựa
Gập ghềnh đèo dốc cao Bác chỉ lối làm những con đường”
Hình ảnh Bác Hồ trong nỗi nhớ của Người dân Việt Bắc – Thái Nguyến đó là “Nhớ ông cụ mắt sáng ngời. Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường! Nhớ Người những sáng tinh sương. Ung dung yên ngựa trên đường suối reo” (Tố Hữu). Bác “ung dung” ấy nhưng trong Bác là cả một bầu trời nặng gánh nước non. Với ngành Giao thông vận tải, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Câu nói của Bác không đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngành GTVT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thực tế lịch sử đã chứng minh, kể từ khi thành lập 28/8/1945 đến nay, sự phát triển của ngành GTVT luôn gắn liền với những chặng đường vinh quang của đất nước trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đã đóng góp không nhỏ cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta giành được những thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng.
Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên luôn là ATK, nơi hội tụ các đầu mối giao thông “tỏa đi” các chiến dịch, tiêu diệt quân thù. Thời kỳ này, mỗi cán bộ, công nhân viên ngành GTVT Thái Nguyên đã cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt để vận chuyển quân, vũ khí và hàng hóa đi các mặt trận, địa phương. Sự đồng lòng giữa “ý Đảng, lòng dân”, sự đồng thuận trong huy động sức dân của công tác dân vận đã giúp Thái Nguyên góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Ngọn đuốc “đi trước mở đường” đã luôn được thắp sáng kể từ những năm tháng khó khăn đó của toàn dân tộc.
Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Thái Nguyên bước vào thời kỳ mới, khôi phục và phát triển KTXH. Ngành GTVT bắt tay vào nhiệm vụ mới, nhiệm vụ xây dựng giao thông để phát triển kinh tế và nhiệm vụ bảo đảm giao thông trong suốt những tháng năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cho đến trước chiến tranh chống Mỹ, hệ thống giao thông nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã phát triển mạnh mẽ, đều khắp. Cán bộ kỹ thuật của ngành đã tận tụy cùng với các huyện, thị bám xã, bám dân, vừa chỉ đạo kỹ thuật làm cầu đường, vừa vận động phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Giặc Mỹ đánh phá hằng trăm trận vào các cầu, phà, nhà ga…. Ngoài tu bổ hàng trăm km đường giao thông và hệ thống cầu bị hỏng do bọm đạn, ngành đã khẩn trương làm mới hành chục bến phà, xây dựng trên 1.000m cầu phao, 55 đường ngầm phục vụ vận tải thời chiến. Để làm được kỳ tích đó, ngoài nỗ lực của cán bộ, công nhân viên ngành, đó là sự chung tay góp công, góp sức, góp của của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Sau 1975, đất nước hòa bình, non sông nối liền một dải. Trước muôn vàn khó khăn của hạ tầng, giao thông còn yếu và thiếu do ảnh hưởng của chiến tranh, ngành GTVT Thái Nguyên lại viết tiếp những trang sử vẻ vang bằng phát huy truyền thống lao động sáng tạo, anh dũng kiên cường, luôn dựa vào sức dân, huy động nội lực trong nhân dân để cùng với “Nhà nước và nhân dân cùng làm” từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông từ nông thôn đến thành thị để xây dựng và phát triển kinh tế.
Ca từ của “Chặng đường vinh quang GTVT Thái Nguyên” có những ngôn từ rất đắt khi dựng lại hình ảnh “Gập ghềnh đèo dốc cao Bác chỉ lối làm những con đường”. Con đường ở đây không chỉ dừng lại ở bê tông, ở cát, đá, sỏi của ngành Giao thông vận tải. Đó còn là hình ảnh của con “đường cách mệnh” do Bác chỉ lối. Con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn để mỗi người dân trên quê hương Việt Nam yêu dấu hôm nay đang đi. Vẫn trong dòng hoài nhớ, ca khúc lại tiếp tục với lời tự sự của người cán bộ ngành GTVT trong chuyến xe đi về miền ký ức làm đường, làm cầu:
Sông ơi sông! nhớ chăng những ngày đêm kéo phà
Nhớ năm nào bao người đội lửa đạn mưa bom
Cho giao thông chiến khu nối liền như huyết mạch
Còn nhịp đập trái tim, ta còn đi làm những con đường.
Với địa hình trung du, Thái Nguyên nơi hội tụ những con sông Cầu, Sông Công và hàng trăm nhánh sông, suối nhỏ. Trải qua đầu nguồn, sông về tới Thái Nguyên hiền hòa uốn khúc. Trải qua thời gian, có lẽ Sông là nhân chứng sống còn lại với muôn đời khi chứng kiến bao thay đổi của việc xây cầu, giữ cầu, bảo vệ cầu qua mưa bom bão đạn. Người Thái Nguyên chúng ta không quên những cây Cầu Lịch sử như Cầu Gia Bẩy bắc qua Sông Cầu. Ca khúc không nhắc tên Cầu cụ thể nhưng “ý tại ngôn ngoại”, những hình ảnh “đội lửa đạn, mưa bom”, “kéo phà” để “Cho giao thông chiến khu nối liền như huyết mạch” thì đã gián tiếp nhắc về cây Cầu huyền thoại ấy: Cầu Gia Bẩy trên đất thép anh hùng – Thái Nguyên. Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cùng với cầu Phà Bắc Cạn và cầu Bắc Giang - Thị xã Bắc Giang, thì cầu Gia Bảy, TP Thái Nguyên có ý nghĩa chiến lược quan trọng cả về quốc phòng và kinh tế, vì thế cầu Gia Bẩy trở thành mục tiêu đánh phá chủ yếu của không quân Mỹ trong chiến dịch lớn nhằm cắt đứt đường tiếp viện từ Liên xô, Trung quốc và một số nước Xã hội chủ nghĩa anh em khác vào phía Bắc Việt Nam. Lịch sử đã ghi lại, vào ngày 17/10/1965, đế quốc Mỹ đã huy động 29 lần những chiếc máy bay phản lực hiện đại nhất lúc bấy giờ, ném 116 quả bom và nhiều rốc két xuống trận địa pháo cao xạ đại đội 101 xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng và khu vực cầu Gia Bẩy. Cầu Gia Bảy bị trúng 3 quả bom và bị hư hại nặng. Hàng chục người dân vô tội khu vực hai đầu cầu bị thiệt mạng cùng với những thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Đặc biệt là sự hy sinh của 15 chiến sỹ Trung đội tự vệ tiểu khu Gia Bẩy đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh tại trận địa. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979) cầu Gia Bảy giữ vai trò có ý nghĩa chiến lược. Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ của các binh đoàn chủ lực, các đơn vị dân quân, tự vệ, dân công hỏa tuyến qua cầu ra mặt trận biên giới, hàng ngàn lượt xe quân sự, dân sự chuyên chở hàng vạn tấn vũ khí, lương thực và các nhu yếu phẩm phục vụ chiến đấu vượt cầu để chi viện cho mặt trận, cho đồng bào chiến sỹ Lạng Sơn. Năm 1991, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, cầu được làm mới bằng bê tông cốt thép, tại vị trí cũ. Cầu có chiều dài 99,86m, rộng 7m, khẩu độ thoát nước 94,23m; tải trọng H13. Từ đó Cầu Gia Bẩy qua sông Cầu thành phố trở điểm nhấn văn hóa, tôn thêm vẻ đẹp của thành phố thép anh hùng.
Về Thái Nguyên hôm nay, trong những ngày mùa thu tháng tám lịch sử, ta không khỏi ngỡ ngàng bởi một diện mạo hạ tầng mới. Giao thông phát triển đã “đi trước mở đường” cho những làn sóng đầu tư đến với Thái Nguyên. Du khách, người trên chuyến xe đi về miền lịch sử đã ngỡ ngàng thốt lên:
A! Đường ngày nay đẹp lắm. Những cây cầu nguy nga
Cầu Bến Tượng, Cầu Mây nối đôi bờ dòng sông Cầu lơ thơ
A! Cuộc đời tươi đẹp thế. Những phương tiện lưu thông
Đầy ắp hàng ngược xuôi đến khắp miền cùng xây dựng tương lai.
Từ quá khứ, từ lịch sử, người Nhạc sỹ đã đưa ta về với hiện tại với những con đường, cây Cầu mà ngành Giao thông vận tải những năm qua nỗ lực kêu gọi vốn đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng tính liên kết vùng. Đường ngày nay đã thêm đẹp, Cầu ngày nay đã thêm nguy nga, tráng lệ khi ánh điện đêm thắp sáng những công trình mang kiến trúc biểu tượng cho thành phố, cho Thái Nguyên. Trong hàng trăm những cây cầu đường ngành giao thông xây dựng trong những năm qua, tác giả nhắc đến hai công trình mang tính biểu tượng. Cầu Bến Tượng, cây cầu đầu tiên ở Thái Nguyên có cấu tạo dạng cầu vòm ống thép nhồi bê tông. Chiều dài của cầu chính là 380 m, gồm 3 nhịp chính. Bề mặt cầu rộng 23,6 m, đáp ứng bốn làn xe cơ giới lưu thông. Mang dáng vóc hiện đại, cầu là điểm nhấn kiến trúc hạ tầng quan trọng của thành phố Thái Nguyên hội nhập và phát triển. Bên cạnh đó là Cầu Mây, cây cầu biểu tượng một thời của ngành GTVT trong những năm đầu sau đổi mới đất nước.
Niềm vui mừng, phấn khởi của những người đi chung chuyến xe về những đổi thay trên quê hương cách mạng Thái Nguyên đã phần nào được thể hiện trong giai điệu vui tươi của đoạn nhạc. Giao thông phát triển, hàng hóa ngược xuôi “đến khắp miền cùng xây dựng tương lai”. Ca từ giản dị, không kể lể nhiều về những con đường, những cây cầu nhưng chính từ “huyết mạch” giao thông ấy mà từ chiến khu - thủ đô gió ngàn năm xưa, từ Thái Nguyên – trung tâm vùng Việt Bắc hôm nay đã lan tỏa hàng hóa đi khắp vùng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Và trong tương lai không xa, thêm những cây cầu mới nối đôi bờ Sông Cầu lơ thơ như: cầu Quang Vinh, cầu Xuân Hòa, cầu Huống Thượng … sẽ được đầu tư xây dựng để Thái Nguyên trở thành một thành phố nằm ven sông đẹp nhất khu vực miền núi phía Bắc. Kỳ vọng ấy được ấp ủ từ chính những kỹ sư cầu đường, từ những nhiệt huyết “còn nhịp đập trái tim” của những “Những người phu đường thời đại mới” trong giai đoạn hiện nay.
Những người phu đường thời đại mới
Đội ngũ kề vai nhau sẵn sàng
Tuần kiểm an toàn những tuyến đường
Làm đẹp quê hương. Giao thông vận tải miến yêu
Chặng đường vinh quang. Giao thông vận tải Thái Nguyên.
Trải qua một chặng đường vinh quang nhưng cũng đầy vất vả, những người “phu đường” đã được tôi rèn để luôn “sẵn sàng” nhận những nhiệm vụ mới, thích ứng trong thời đại mới. “Còn nhịp đập trái tim, ta còn đi làm những con đường”. Nhiệt huyết ấy luôn đầy ắp trong huyết quản mỗi con người, mỗi cán bộ ngành giao thông vận tải Thái Nguyên. Dẫu biết rằng “phu đường khổ lắm ai ơi!” (Hồ Chí Minh) nhưng được góp một bàn tay để “làm đẹp quê hương” luôn mang đến niềm phấn khởi, tự hào của “Những người phu đường thời đại mới”, thời đại 4.0, chuyển đổi số và xã hội số.
Ca khúc “Chặng đường vinh quang GTVT Thái Nguyên” khép lại nhưng cái dư âm, niềm vui tươi, phấn khởi ấy vẫn rộn ràng qua mỗi nốt nhạc, qua cách gieo vần và nhịp điệu. Người nhạc sỹ qua ca khúc đã đưa ta đi từ quá khứ với những nỗi nhọc nhằn ngày đầu kiến tạo, xây dựng đất nước của ngành GTVT tỉnh nhà; đến hiện tại của những công trình to đẹp, nguy nga; và rồi kết thúc ở những kỳ vọng vào tương lai, ngành GTVT còn phát triển xa hơn nữa, xứng tầm nhiệm vụ “đi trước mở đường” hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương Thái Nguyên “trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như Bác Hồ hằng mong đợi khi Người lần cuối, lần thứ 7 về thăm tỉnh Thái Nguyên, sau khi chia tay với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và đồng bào vùng Việt Bắc để trở về thủ đô Hà Nội năm 1954./.
Chu Hồng Đông
Tháng 6 năm 2021
Người gửi / điện thoại
© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.