Đăng nhập
WEBSITE CÁ NHÂN CỦA TÁC GIẢ CHU HỒNG ĐÔNG. NƠI LƯU GIỮ VÀ GIỚI THIỆU CÁC BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ. CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐÓN ĐỌC CÁC BÀI VIẾT TRÊN TRANG NHÀ CỦA CHU HỒNG ĐÔNG. XIN GHI RÕ TÊN TÁC GIẢ KHI SỬ DỤNG LẠI CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE




Từ khóa
Danh mục

ĐẬM ĐÀ TRÀ VĨNH XUÂN

04-07-2020 15:22

Thái Nguyên có nhiều quán thưởng trà nhưng tôi chọn Vĩnh Xuân Quán, đặng trong lòng muốn có một không gian riêng tư để cùng các bạn ôn lại kỷ niệm xưa, thời là sinh viên nghèo khó. Quán Trà nằm trên sườn dốc, trên lối bê tông rất phổ thông ở đô thị trung du như Thái Nguyên này. Không nặng về hình thức, Vĩnh Xuân Trà club là một gian riêng, mộc mạc nhưng đầm ấm. Nơi có những bàn trà hay chiếu trà rất phù hợp với chúng tôi, ngồi hoài niệm đôi câu chuyện thời hoa niên đã cũ.

Bạn bè tôi, đa phần là “dân công trình”, làm giao thông nay đây mai đó. Bài học đầu tiên khi bước chân vào Trường Đại học Giao thông mà ai trong chúng tôi cũng phải học đó là xác định sản phẩm của ngành giao thông là lưu động, không có chuyện ngồi im một chỗ mà sản xuất ra cầu, ra đường, ra hầm …. Phải chăng vậy, người làm “dân công trình” như chúng tôi đa phần trông thô và cứng, trông già so với tuổi bởi cái nắng, cái gió, cái vất vả, bụi bặm của công trình đã bào mòn đi cái hình thức bên ngoài ấy. Nhưng “dân công trình” chúng tôi cũng nhiều người lắm tài lẻ, trai giao thông ôm đàn ghi ta hát, làm thơ đã chẳng còn xa lạ … Nhưng ít ai thống kê nữa, đó là tỷ lệ nghiện chè của “dân công trình” cũng rất lớn. Từ người làm khảo sát thiết kế qua ấm trà đã nẩy sinh bao công trình cầu đường vừa an toàn lại mang tính thẩm mỹ cao, đó là lúc Trà làm thăng hoa qua ý tưởng thiết kế để đi vào thực tiễn; đối với những người đi hiện trường, thì ấm trà có thể không cầu kỳ nhưng trà là bạn hữu, là thứ giao tiếp hay đơn giản, là thứ giải nhiệt những lúc nắng nôi vẫn bám cầu, bám đường để công trình vượt thời gian đi vào cuộc sống, phục vụ nhân dân. Rời trường Đại học hơn mười năm, bạn bè tôi đi khắp các phương trời để làm theo đúng ngành nghề mình học. Những cây cầu, những con đường nối những bờ vui, làm nên hình hài đất nước nhưng có một phần nhỏ tiếp sức bởi những người “dân công trình” nghiền chè như chúng tôi bởi đam mê luôn khát khao, cháy bỏng được cống hiến từ khi trẻ cho đến trung niên như bây giờ.

Hơn mười năm xa nhau, Sơn về Thái Nguyên thăm tôi sau những ngày cả nước gồng mình chống đại dịch Covid-19. Phố phường sau những ngày giãn cách xã hội đã vui hơn. Hoạt động xã hội, sản xuất và kinh doanh đang dần trở lại yên bình như cũ. Dùng cơm tối ở gia đình xong, biết Sơn cũng có có sở thích nhâm nhi trà Thái Nguyên nên tôi hẹn nhóm bạn cùng Sơn ghé uống trà ở Vĩnh Xuân Quán. Thái Nguyên có nhiều quán thưởng trà nhưng tôi chọn Vĩnh Xuân Quán, đặng trong lòng muốn có một không gian riêng tư để cùng các bạn ôn lại kỷ niệm xưa, thời là sinh viên nghèo khó. Quán Trà nằm trên sườn dốc, trên lối bê tông rất phổ thông ở đô thị trung du như Thái Nguyên này. Không nặng về hình thức, Vĩnh Xuân Trà club là một gian riêng, mộc mạc nhưng đầm ấm. Nơi có những bàn trà hay chiếu trà rất phù hợp với chúng tôi, ngồi hoài niệm đôi câu chuyện thời hoa niên đã cũ. Góc bàn tre hay nơi bàn gỗ, đơn giản hơn là một bàn trà trên chiếu cói ngày xưa với đủ bộ bàn trà, hoa và dăm ba thanh kẹo lạc. Không gian ấy tôi thích và dĩ nhiên Sơn và nhóm bạn tôi thích. Vì đã đi qua rồi cái thời thích khám phá, chúng tôi giờ thích bình yên vừa đủ. Đủ như buổi tối nay, năm thằng bạn thân, quây quần bên bàn trà nơi Vĩnh Xuân Quán. Dòng trà được phục vụ ở đây khá đa dạng, có trà vị thuốc nhưng chúng tôi chọn trà Thái Nguyên truyền thống. Sơn tâm đắc nhất điều ấy! Đã là một kỹ sư giao thông trưởng thành đi Nam về Bắc, nhưng nói đến thưởng trà, Sơn vẫn nghiện một dòng trà mộc Tân Cương Thái Nguyên. Sơn kể nơi anh sống vẫn thấy người ta bán Trà Thái Nguyên nhưng có thể do nguồn nước nên trà không đượm như được thưởng thức ngay chính mảnh đất chè này!

Chúng tôi bên nhau, từng tuần trà qua là một kỷ niệm đẹp nào đó về thời sinh viên nghèo khó có nhau: Đó là kỷ niệm những lần đi thực tập công nhân, hành trang ngoài quần áo, sách vở không quên gói “trộm” của bố một vài ba ấm trà, mà mỗi đứa một loại trộn chung vào đun uống vẫn khen ngon; Đó là những kỷ niệm vác máy thủy bình, kinh vỹ, thước, mia … đi khắp các vùng để cao đạc học khảo sát; Rồi ăn cơm tự nấu với măng rừng … Ngày ấy chưa xa, hơn mười năm trước hình ảnh ấy phổ thông lắm trong học phần của “sinh viên trường lái” cách gọi yêu của Đại học Giao thông nơi chúng tôi từng học.    

 Bên nhau một buổi tối, trên đường về, Sơn kể thêm về cuộc sống nơi Sơn đang ở giữa Sài Gòn hoa lệ. Hóa ra Sơn cũng là một người yêu Vĩnh Xuân quyền, Sơn theo học và giờ đã thạo cả 6 bài quyền của Việt Nam. Nhưng cái Sơn để ý và nói với tôi đó chính là Sơn chưa bao giờ dùng Trà mang tên phái võ mình theo học. Sơn đã dùng Vĩnh Xuân Tửu, đó là một loại rượu thuốc rất nặng, không được dùng nhiều dẫn đến hỏng hình khi học võ thuật và thích hợp trong luyện khí công. Tôi lờ mơ hiểu ra điều gì đó ở sự hữu duyên này. Trà và Võ thuật cũng có những sợi dây vô hình kết nối đó là sự giữ gìn cho sức khỏe được dẻo dai, tuổi xuân được vĩnh hằng. Đó chẳng phải là mơ ước của con người bấy lâu..

Mai bạn tôi lại tiếp tục hành trình lên Tây Bắc, ở Thái Nguyên với tôi và nhóm bạn có hai ngày. Chúng tôi cũng kịp bên nhau hàn huyên chuyện cũ và hỏi thăm nhau chuyện mới. Trai giao thông là thế! Cứ xây xong lại đi, bạn về Thái Nguyên xây lại trong chúng tôi những hoài niệm cũ về một thời “trai trường lái” vất vả lắm nhưng cũng nhiều niềm vui. Tiễn bạn lên đường với túi Trà Thái Nguyên, quà quê truyền thống. Dù đã trưởng thành để xa nhau những tình bạn thân vẫn đượm như trà Thái quê mình./.

Chu Hồng Đông Viết sau mùa Covid- 19.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 



Số sản phẩm : 0
Thành tiền : VND
Xem giỏ hàng

© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622 
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.

Tự tạo website với Webmienphi.vn