08-02-2019 16:12
13 năm hơn nghiên cứu văn hóa viết về Xuân và Tết. Năm nay ba lại khai bút viết trang nhật ký nhỏ này cho con gái rượu. Để lớn khôn rồi con sẽ hiểu hơn về phong tục, về những đổi thay trong quan niệm, cách ứng xử với Xuân và Tết. Để sau này có trưởng thành vẫn nhớ cội nguồn, quê hương và truyền thống. Dù cuộc sống có sang giầu hay nghèo khó đều đón Tết và mong ước sẽ có những đổi thay khi đất trời thay áo mới, đón gió mới.... Đó là xuân muôn thủa! Nên xuân đi rồi, nhân gian vẫn ngóng xuân trở về sau hơn 360 ngày mong đợi.
Con gái Diệu Anh yêu quý của ba. Xuân này, mùa xuân đầu tiên ông nội của con đi vắng. Ông đi về với các cụ gia tiên, về nơi không còn lo nghĩ, ưu phiền chuyện trần thế. Âu cũng là lẽ thường ở đời quy luật sinh lão, bệnh tử không trừ một ai. Nhưng càng Tết, nỗi nhớ ông, nhớ cha .... càng bao trùm lên cả gia đình. Ba thương ông mười phần, ba nhân số ấy lên hai lần để nói về tình thương con. Con nhớ ông nội nhưng vì nhỏ tuổi con chưa biết thể hiện thành lời mà con chỉ biết vẽ những gì con nghĩ. Ba đã xúc động nhiều khi nhìn bức tranh con vẽ gửi ông.
Tranh tết trong nét vẽ đượm buồn của con không có mai vàng, quất bưởi hay đào mà là một em bé ngồi khóc trước một bia mộ. Ngày nào con cũng đòi đổi nhà vì nhà mình không vui, không có hoa tết .... Thương con tuổi quá nhỏ đã phải lo nghĩ nhiều về cuộc sống. Lúc nào cũng sợ nhà mình thiếu xuân, ít xuân hơn nhà người. Mà giờ này chưa thấy Tết đâu?! Lệ thường sau ngày 23 tháng Chạp Xuân đã ngập tràn trong nhà mình. Con lên 6 tuổi. Có lẽ đây là xuân đầu con chứng kiến một mùa xuân tối giản như thế. Thương con, Ba đã chọn mua 1 cây quất bé xinh, 1 nhành đào vừa đủ nhỏ để con biết là xuân cũng đã về ngôi nhà nhỏ của mình, để con không quá u buồn, tủi thân khi nhìn xuân đang rộn ràng ngoài kia. Mùa xuân là thế đó con ...
Xuân đã nhẹ nhàng đến bên gia đình. Mọi thứ tối giản vì ba biết rằng nếu trang hoàng đầu tư nhiều rồi sau 3 ngày Tết những hoa, những quả, những thứ kia cũng sẽ được mang gom cùng rác, để lại sự lãng phí lớn cho gia đình và xã hội. Chiều 30 Tết, không có thời gian "chen giữa đảo hoa tươi thắm" như mọi năm. Con gái cùng gia đình thành kính đứng trước mộ phần của ông nội, mời ông về ăn Tết với gia đình.
Thương ông nhưng ba cũng tự hào về con vì con xứng đáng là Cháu gái trưởng của dòng họ khi biết kính trọng cội nguồn. Con có vè yêu thờ cúng, kính trọng gia tiên từ khi còn rất nhỏ. Điều ấy từ lâu trong nhận thức ba đã ý thức rằng Thờ cúng không phải là việc của riêng con trai. Con gái như Diệu Anh hoàn toàn làm được. Chỉ có không thờ cúng mới là bất hiếu. Còn với tiên tổ con gái và con trai là hoàn toàn công bằng.
Đêm giao thừa. Con gái mỏi nên ngủ lúc 23 giờ. Ba mẹ và bà nội thức chờ đón tân niên. Trên mâm cúng giao thừa ngoài trời năm nay, ba đã chọn bộ mũ mão mầu xanh, tượng trưng cho hành Mộc, cây cối để chờ đón ngài Lưu Vương Hành khiển. Cung cấn con nhà Thanh đế dòng Phú quý về cai trị nhân gian năm nay.
Tết đó là sự đoàn viên con ạ! Theo phong tục thì 3 ngày Tết của người Việt có ba sự gặp gỡ quan trọng. Đó là sự gặp gỡ các Thần linh, thổ công và Táo quân. Thứ hai là sự gặp gỡ tổ tiên, ông bà về xum họp cùng con cháu. Sau cùng là mọi thành viên trong gia đình dù có làm ăn bươn trải phương nào cũng về nhà để gặp gỡ, sum họp gia đình. Ba ngày Tết cả nhà đoàn viên bên mái ấm. Và tấm lòng được thể hiện một cách thực tiễn qua mâm cỗ cúng. Mâm cỗ cúng tổ tiên ông bà cầu sự phù hộ cho con cháu hạnh phúc. Sau đó con cháu cùng nhau ăn cỗ Tết nhằm hưởng phúc, lộc mà trời đất, tổ tiên đã chứng giám sự thỉnh cầu mọi điều tốt lành cho năm mới.
Sự đoàn viên của Tết còn thể hiện phần nhiều qua mâm cũng gia tiên ngày Tết. Đó là sự đoàn viên của ngũ hành. THUỶ là nước, là rượu, là bia. MỘC là hoa lay ơn và cành đào đỏ thắm. HOẢ là nến, là đèn dầu. KIM là 999,9 Kỷ hợi lộc. Ngũ hành đã đầy đủ và tương sinh. Một năm sẽ thực sự thuận buồm xuôi gió.
Để tang ông. 3 ngày Tết gia đình mình chỉ ở quanh nhà lo hương khói và làm cơm cúng. Trong 3 ngày Tết, ngày mùng 3 Tết năm nay “Sao Tỉnh” (Tỉnh mộc hãn) rọi soi. Trong nhị thập bát tú (28 chòm sao), “Sao Tỉnh” là sao an lành nhất, thuận cho tất cả mọi việc từ: Công danh, thi cử, trồng trọt, chăn nuôi, làm nhà, hôn thú … Chọn ngày lành làm Lễ hóa vàng, tiễn rước tiên linh về lại âm giới. Lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì cho con cháu năm mới Kỷ Hợi an khang thịnh vượng, may mắn trong cuộc sống và đường đời. Hết Tết, hết 3 ngày kiêng khem theo phong tục truyền thống của người Việt.
Sau 3 ngày Tết. Hôm nay gia đình chính thức khởi hành du xuân, chuyến du Xuân về phía thượng ngàn. Là người con của quê hương Thái Nguyên nên chuyến đi thượng lần này gia đình đã chọn dâng hương hệ thống các Đền thờ Đức thánh Đuổm Cao Sơn Quý Minh tức Dương Tự Minh bắt đẩu từ Đền Mỏ Bạch (Thờ Chầu Bẩy Kim Giao); Dốc Võng (Chúa Mọi), Giang Tiên, Đền Đuổm … Chuyến dâng hương ngoài cầu những bình an còn là dịp để dậy con gái Diệu Anh về tưởng nhớ một người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên, được dân gian tôn Đức Thánh Đuổm - Ông làm thủ lĩnh phủ Phú Lương xưa, gồm 7 châu thuộc các tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng và một phần Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn ngày nay trong suốt ba đời vua nhà Lý.
Sau dâng hương hệ thống Đền thờ có từ thời phong kiến là chuyến về nguồn ATK Định Hóa Thái Nguyên và Tân Trào Tuyên Quang. Về dâng hương chủ tịch Hồ Chí Minh trong một ngày xuân nắng tỏa, “mặt trời chân lý” như thêm một lần rọi chiếu từ quá khứ đến hiện tại. Về bên Bác để thấy lòng ta “trong sáng hơn”. Bởi hơn ai hết cả một đời Bác đã sống “Bác để tình thương cho chúng con. Một đời thanh bạch, chẳng vàng son. Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”… ATK đã đón gia đình tôi về dâng hương Bác, về những khu di tích lịch sử, những căn cứ cách mạng xưa trong một ngày xuân đẹp như thế.
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ. Và dậy con tình yêu quê hương, niềm tự hào về thủ đô gió ngàn Thái Nguyên qua một chuyến khởi hành đầu năm đơn giản như thế. Xuân và Tết đã viên mãn, trọn vẹn như thế … Không cầu kỳ, khoa trương mà đi vào thực tế của một trào lưu mới là “Tết tối giản, Xuân an khang” của thế hệ những người trẻ mới.
13 năm hơn nghiên cứu văn hóa viết về Xuân và Tết. Năm nay ba lại khai bút viết trang nhật ký nhỏ này cho con gái rượu. Để lớn khôn rồi con sẽ hiểu hơn về phong tục, về những đổi thay trong quan niệm, cách ứng xử với Xuân và Tết. Để sau này có trưởng thành vẫn nhớ cội nguồn, quê hương và truyền thống. Dù cuộc sống có sang giầu hay nghèo khó đều đón Tết và mong ước sẽ có những đổi thay khi đất trời thay áo mới, đón gió mới.... Đó là xuân muôn thủa! Nên xuân đi rồi, nhân gian vẫn ngóng xuân trở về sau hơn 360 ngày mong đợi.
Chu Hồng Đông khai bút xuân Kỷ Hợi 2019.
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.