07-09-2018 22:01
Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên, ở Quán cà phê “Lò gạch cũ” vốn “xa đường cái, vắng người qua lại” nay lộ dần trên mặt tiền đường Việt Bắc, thành phố Thái Nguyên. Lò gạch cũ, gợi tôi bao điều về chuyện tình rất đẹp của Chí Phèo – Thị Nở trong sáng tác của nhà văn Nam Cao.
Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên, ở Quán cà phê “Lò gạch cũ” vốn “xa đường cái, vắng người qua lại” nay lộ dần trên mặt tiền đường Việt Bắc, thành phố Thái Nguyên. Lò gạch cũ, gợi tôi bao điều về chuyện tình rất đẹp của Chí Phèo – Thị Nở trong sáng tác của nhà văn Nam Cao. Tôi vẫn ấn tượng mạnh bởi câu truyện này bởi nó bắt đầu bằng một câu chửi “Hắn vừa đi vừa chửi”. Bởi hắn tức Chí Phèo từ một người nông dân lương thiện đã bị nhà tù phong kiến thực dân lưu manh hóa, cuộc đời đen bạc đã thú hóa Hắn để trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại ngày ấy ….
Dù vậy, trước khi gặp Thị Nở, trong sâu thẳm trái tim mù lòa, rách nát của Chí vẫn âm ỉ cháy một đốm than hồng khát vọng và chỉ chờ một cơ gió thổi qua thì sẽ bùng cháy thành ngọn lửa. Nhưng suốt 15 năm không cơn gió nào bay ngang đời Chí, không bàn tay nhân ái nào dắt Chí lên khỏi vũng vũng lầy tội lỗi cho đến ngày gặp gỡ với Thị Nở ở vườn chuối trong một đêm trăng sáng. Tình yêu chân thành, mộc mạc của người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn Thị Nở đã trở thành cơn gió mát sau 15 năm thổi qua đời Chí. Bát cháo hành của Nở là thứ thuốc kỳ diệu đã giúp cho phẩm chất con Người trong con quỷ dữ kia phục sinh. Sau đêm trăng bên vườn chuối ấy, tâm hồn Chí đã biến đổi với những rung động thật tinh tế trước tín hiệu trong lành, đẹp đẽ của thiên nhiên và cuộc sống: Tiếng chim hót, tiếng người đi chợ về qua ngõ …. Chí đã thức tỉnh với ước mơ một gia đình với “chồng cày thuê cuốc mướn" …. Thị Nở đã là cây cầu nối kỳ diệu bắc qua vực thẳm quá khứ để Chí trở về với cuộc đời lương thiện….
Ngồi ở Lò gạch cũ, ly cà phê vừa đắng vị cà phê, vừa ngọt vị sữa mà từng chi tiết nhỏ ấy cứ hiện về trong tôi, nhắc nhở tôi, ở đời này Sống luôn phải là người Lương thiện.
Nhưng dư luận nghiệt ngã của xã hội thời bấy giờ mà ý kiến của bà cô Thị Nở là đại diện đã trở thành một lưỡi dao oan nghiệt chặt đứt cây cầu mơ ước của Chí, đẩy Chí vào thế tuyệt vọng và bế tắc. Sau mấy ngày hạn chế uống rượu, giờ "hắn mang rượu ra uống" nhưng càng uống càng tỉnh và chao ôi hương rượu cứ như hương bát cháo hành của Nở. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Chí khóc. Nếu bát "cháo hành" đánh dấu sự hồi sinh của những phẩm chất người trong Chí thì "nước mắt đắng cay" này lại đánh dấu sự hoàn tất của một quá trình hồi sinh ấy. Vì chỉ có cảm giá đau khổ, hạnh phúc mà cách biểu hiện là nước mắt mới chứng tỏ ấy là một con người.
Đúng như Nam Cao từng viết "nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ". Hương cháo hành tượng trưng cho hạnh phúc mong manh đó thơm ngát vào ký ức của Chí Phèo, giờ đây trở về giằng co quyết liệt với "hơi rượu" nồng nặc. Hơi rượu tượng trưng cho kiếp sống quỷ dữ và quãng đời tội lỗi. Giờ Chí tiến thoái lưỡng nan. Trở về cuộc sống của con quỷ dữ thì không thể vì hương cháo hành vẫn đâu đây. Trở lại cuộc sống con người thì bị cự tuyệt. Chí đã tìm đến một hành động tự phát: Đâm chết kẻ thù rồi kết liễu đời mình. Lưỡi dao trong tay Chí vung lên không xóa bỏ được moi bất công trong xã hội cũ nhưng là một ánh chớp, báo trước sự xuất hiện của những cơn giông .... Tiếng kêu thảm thiết của Chí vẫn vang vọng qua không gian và thời gian, làm rung động trái tim triệu con người và để lại sự ám ảnh không nguôi.
Lâu lâu, tôi mới được gặp lại những cảnh và tình như thế ở một không gian hoài niệm về Làng Vũ Đại ngày ấy!
Chu Hồng Đông thu 2018
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.