08-05-2018 11:05
Đúng ngày sinh Karl Marx (Các Mác) 5.5.2018, con gái yêu Diệu Anh được về báo công dâng Bác Hồ kính yêu ở thủ đô Hà Nội. Một ngày trời trong xanh lắm! Một năm học sắp khép lại, Chích Bông năm học qua có nhiều tiến bộ lắm. Ba mẹ chúc con ngoan hơn, học chăm chỉ hơn để xứng đáng Cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng là học trò của ngôi trường mang ngày sinh của Bác trên quê hương cách mạng Thái Nguyên.
"Đi từ bàn làng xa xôi
Chân em bước qua bao núi
Núi nhìn theo lá rừng reo
Chân em bước qua bao đèo
Núi muốn hỏi, suối nhắn hỏi
Sao bạn nhỏ vui thế
Xin nói cùng nghe
Náo nức nhiều, em vui nhiều
Hôm nay được về thử đô thân yêu
Đến thăm lăng Bác Hồ..."
Bài hát thủa ấu thơ em bé nào cũng được các cô giáo ở trường dậy. Và hôm nay, từ mảnh đất trung du, quê hương cách mạng, con gái bé nhỏ gần 5 tuổi, lần đầu được mẹ đưa về "thủ đô thân yêu", "đến thăm lăng Bác Hồ ...". Không đi cùng con trong hành trình ấy, nhưng ký ức con kể lại cho ba nghe sau lần viếng lăng Bác thật cảm động. Con kể: Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên... có những chú bộ đội đứng canh cho Bác ngủ. Con kể về không khí trang nghiêm khi con được đi quanh khu vực Bác nằm ngủ. Các bạn xếp hàng, nối đuôi nhau đi một vòng quanh giường bác ngủ.
Trước hành trình, ba đã dặn: "Con về thăm Bác Hồ, con sẽ báo cáo thành tích với Bác con nhé". Con thuật lại, con đã báo cáo gì với Bác. Đó là con ở lớp rất ngoan, biết lời cô giáo, ông bà cha mẹ. Con báo cáo về những phiếu Bé Ngoan con được nhận hằng tuần. Con báo cáo về con học vẽ và được ba cho rất nhiều điểm 10 .... Thành tích 5 tuổi con đã biết ăn cơm hạt, con đã thuộc 29 mặt chữ cái và chữ số trong phạm vi 20. Con có thể vẽ truyện tranh và bước đầu biết ghép vần những tiếng đơn giản.
Ba biết ngày nào con đến Trường cũng bắt gặp hình ảnh Bác Hồ kính yêu bế một em bé trên tay.Trong muôn vàn tình thương yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho nhân dân, Người dành cho thiếu niên nhi đồng với một tình thương yêu đặc biệt, đặc biệt hơn cả là thiếu nhi vùng Việt Bắc, trong đó có tỉnh Thái Nguyên, quê hương yêu dấu của con gái ba mẹ. Tình yêu trẻ thơ của Bác không đơn giản là một tình cảm thông thường. Đó còn là một tình cảm sâu sắc, rộng lớn xuất phát một chủ nghĩa nhân đạo cao cả với ý thức rõ rệt là các cháu sẽ trở thành lớp người tiếp tục sự nghiệp của cha ông, những người trực tiếp xây dựng xã hội tương lai. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, khi vận động tập hợp quần chúng, khi tiến hành hai cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Bác Hồ đều có thư và thơ cho thiếu nhi. Mở đầu bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” Bác Hồ đã viết những lời lẽ hết sức giản dị, thực tế và chứa chan tình yêu thương:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
Học hành giáo dục đã không
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa
Sức còn yếu, tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già
Có khi lìa mẹ, lìa cha
Để làm tôi tớ người ta bên ngoài".
Rõ là những lời nói từ trái tim đến với những trái tim, những lời nói cho thiếu nhi mà cũng cho tất cả mọi người. Lời kêu gọi ấy của Bác Hồ có sức lan tỏa mãnh liệt trong thiếu niên nhi đồng cả nước tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Đã có biết bao tấm gương thiếu niên, nhi đồng anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc mà tiêu biểu là Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám, các đơn vị nổi tiếng như: Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội Thiếu niên du kích thành Huế, Đội Thiếu niên du kích Đồng Tháp Mười ...
Giàu tình nhân ái đối với mọi kiếp người, Bác Hồ cũng luôn thường trực tình cảm yêu thương đặc biệt đối với thiếu nhi. Người gửi tặng vở và những dòng thơ giản dị nhưng chứa đựng tình cảm và sự quan tâm sâu sắc cho một thiếu nhi người dân tộc ở Cao Bằng:
“Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai đây cháu giúp nước non nhà” (Tặng cháu Nông Thị Trưng - 1944).
Trước cách mạng Tháng Tám, trong khi kêu gọi thiếu niên đoàn kết đấu tranh góp phần vào công công cuộc giải phóng dân tộc, Người không quên nhắc đến trách nhiệm của các em: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tùy theo sức của mình”. Đó là những “việc nhỏ, nghĩa lớn”. Bác khích lệ các em rằng biết lễ phép, vệ sinh, biết giúp đồng bào khi gặp khó khăn, nghĩa là tự rèn luyện mình cũng là tham gia kháng chiến. Sau Cách mạnh tháng Tám, trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác chỉ rõ, học sinh được may mắn tiếp nhận một nền giáo dục mới, độc lập: “... Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". (Thư của Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường).
Chúng ta cảm động trước tình cảm, lời hứa và trách nhiệm của Người dành cho thiếu nhi: “Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng...” (Thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 1-6 (1-6-1950). Từ sau Cách mạng tháng Tám, gần như năm nào cũng vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, hay Tết Trung thu… Bác đều viết thư cho thiếu niên, nhi đồng với lời lẽ luôn ân cần, trìu mến, chí tình, Bác luôn căn dặn các cháu phải ngoan ngoãn, đoàn kết, thi đua học tập, lao động, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khỏe và tiến bộ, để đưa nước nhà “tiến kịp các nước khác trên toàn cầu”. Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc của mình, Bác đã hai lần nhắc đến nhi đồng Bác viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Con thấy đấy, Bác Hồ là người có một tình yêu bao la, nhưng hơn cả, Bác rất yêu thiếu niên, nhi đồng và những em bé ngoan như con và các bạn. Nhớ ơn Bác, con gái hãy cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh” như Người hằng mong đợi con gái nhé. 5 tuổi, lần đầu con gái Diệu Anh được về thăm Bác. Rất cảm động đúng không con gái yêu. Cái thiêng liêng ấy đã chắp bút cho ba lưu lại nơi này để sau này con gái đọc và thấy mình cần phấn đấu nhiều hơn nữa trong cuộc sống và học tập.
Chu Hồng Đông.
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.