20-12-2017 21:06
Tối nay được ngồi thưởng trà trong câu lạc bộ, đặc biệt ấn tượng với chén “Trà Báo xuân” đúng là thứ mình đang cần trong mấy ngày hôm nay. Cần gợi một nét xuân thì trong ngày vẫn đang đông giá rét.
(Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng. Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng)
Đã bao lần Duy hẹn tôi đến câu lạc bộ Trà của Duy để châm trà cùng các trà nhân. Tôi vì quá bận cho đến hôm nay mới ngồi được cùng Duy và những bạn trong câu lạc bộ Trà. Đó là một nhóm bạn trẻ tầm tuổi tôi, vừa qua 30 thời đang độ đẹp. Thế nhưng các bạn là cả một kho tàng về trà và thú thưởng trà. Hôm nay thì các bạn nói chuyện nhiều về ấm và chén. Công phu nhất là cách dưỡng bộ ấm Tử sa. Sau khi khai ấm là ấm đã có sinh khí nên cần phải có quá trình dưỡng ấm. Dưỡng ấm cũng cần đảm bảo đúng quy trình để không làm ảnh hưởng đến ấm. Quá trình dưỡng ấm cần thời gian dài, yêu cầu sự nhẫn nại. Dưỡng ấm cũng như dưỡng tính. Một chiếc ấm được dưỡng tốt nó phải nổi bật lên màu sắc tiềm ẩn bên trong, độ sáng bóng và màu của đất hội tụ bên trong. Ấm trà Tử sa giống như người quân tử, đó là tính khiêm tốn và nghiêm khắc với chính mình.
Hôm nay tôi đã tận mắt được chứng kiến Ngọc, bạn Duy cầu kỳ, công phu để dưỡng cho ấm Tử sa để đảm bảo chiếc ấm lên nước được đều, mỗi ngày một sáng bóng... Tối nay được ngồi thưởng trà trong câu lạc bộ, đặc biệt ấn tượng với chén “Trà Báo xuân” đúng là thứ mình đang cần trong mấy ngày hôm nay. Cần gợi một nét xuân thì trong ngày vẫn đang đông giá rét. Cảm ơn Duy và các trà nhân trong câu lạc bộ đã khai thức trong Đông nhiều thứ về Trà về sự công phu, tinh tế trong thưởng trà, mà hôm nay Đông dùng một cụm từ rất đúng để nói về những lần dùng trà trước đây của mình đó là “quá phú phàng với những bộ ấm”, chưa hiểu nhiều về ấm, về chén và càng ngu ngơ hơn trước Trà. Nhưng vì mối duyên nợ ấy, ta sẽ say và mê hơn trong tìm hiểu, yêu thương, quý trọng mỗi ấm trà.
Và câu chuyện đàm đạo với câu lạc bộ trà đã bắt đầu như thế. Nói về thưởng trà trong văn hóa Việt là nói đến 5 thứ "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh". Đó là: Nước, trà, chén, ấm và bạn trà. Điều quan trọng nhất trong một buổi thưởng trà đó là nước pha trà. Theo người Việt xưa, trà muốn thơm ngon thì phải sử dụng nước tinh khiết để pha, nếu có thể, người ta thường sử dụng nước đọng trên lá sen sau đó đun bằng ấm đất trên bếp lò. Bếp lò phải dùng than vì nó có mùi như củi khô, hay các loại dầu. Nước pha trà chỉ được đun vừa đủ sôi: với các loại trà xanh thì đun sôi sủi tăm, còn với trà tẩm hương như trà sen, trà nhài, trà cúc,… thì đun ở độ sôi đầu nhang là vừa. Nước pha trà nếu đun không đủ sôi thì trà không phai, nếu sôi quá thì trà lại nồng, các cụ xưa gọi là “cháy” trà. Ý chỉ một ấm trà pha không đạt.
Điểm thứ nhì là chọn trà. Người Việt xưa thường hay uống trà tươi trong khi hiện nay người ta thường sử dụng trà khô vì tính thuận tiện cũng như dễ dàng bảo quản. Trà cũng có nhiều loại trà, và tùy theo sở thích mà người ta lựa chọn loại trà phù hợp. Nếu sử dụng trà tươi, người ta sử dụng lá trà mang rửa sạch, sau đó vò thật kỹ để lá trà giập nát, còn cọng trà thì bẻ gãy và tước ra. Đun nước sôi vừa phải thì mới cho trà vào, sau đó đun tiếp trong khoảng 15 phút cho trà ngấm là có thể uống nước. Còn trà khô thì hiện nay ở Việt Nam cũng khá nổi tiếng với các loại trà như trà mộc, trà sao suốt hoặc trà móc câu. Hôm nay Duy và các bạn trong câu lạc bộ trà đã thiết tôi 3 tuần trà, thứ nhất là một ấm trà móc câu đặc biệt của vùng đất Tân Cương - Thái Nguyên, một ấm Trà Tầu và một ấm trà "Phò", cách gọi của các bạn về một loại trà thuộc hạng xoàng nhất trong 3 tuần trà đêm nay. Nếu như Trà Tân cương cho tôi một vị ngọt đặc trưng và mùi hương cốm thoảng thì Trà Tầu lại mang một vị ngọt dịu và các vị hương hoa. Chén đầu tôi như cảm thấy mùi hoa nhài, rồi lần lượt là hoa sen, rồi hương lạt dần như hoa ngâu... Cảm nhận là như vậy nhưng trà Tầu thì hoàn toàn không ướp hương hoa. Vị tự nhiên nó thế. Tôi cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và quay về vị "Trà Phò" thì nó khá phổ thông, tôi đã hay gặp cả sắc nước, hương trà này đâu đó trong đời thường.
Thứ tiếp sau nước và trà là chén và ấm. Đây cũng là chủ đề được các bạn trong câu lạc bộ Trà bàn luận nhiều nhất buổi trà hôm nay. Ngọc, bạn Duy đã cho tôi chiêm ngưỡng gần như trọn bộ chén, ấm mà Ngọc và nhóm bạn đang sở hữu. Người Việt thưởng sử dụng chén có kích thước vào khoảng hột mít hay mắt trâu, bình trà thì có bình chuyên và bình tống. Trước khi pha trà, người ta dùng nước sôi để tráng chén và bình trà, rồi đổ nước ấm lên các chén trà để làm nóng và sạch. Khi cho trà vào ấm phải chú ý kỹ lượng trà sao cho vừa đủ tránh để trà quá lạt hay đắng chát. Sau đó, rót nước pha trà vừa ngập mặt trà rồi đổ đi trong vài giây để “rửa trà”, tiếp theo mới rót nước gần đầy bình và đậy nắp, rồi rót thêm lên trên nắp bình một ít nước nóng để giữ được hương trà. Đợi khoảng 1-2 phút để trà chín và rót ra để thưởng thức. Ngọc đã rất tận tình khi giải thích cho tôi về chọn chén uống trà. Thường thì mùa lạnh ta chọn chén nhỏ và mùa nóng thì chọn chén có kích thước lớn hơn. Điều đó là để nước trà được ấm nóng hay hơi ấm khi thưởng thức cho phù hợp thời tiết.
Điều quan trọng thứ 5 trong buổi thưởng trà đó là "ngũ quần anh" ý chỉ những người bạn thưởng trà. Tôi trong miên man cảm xúc của mình từng có bài viết "Đêm nay mình ta với trà", lúc ấy bạn của tôi là đêm và trà cùng nỗi nhớ mùa đông. Theo quan điểm của người Việt, bạn trà khó tìm hơn bạn rượu, có được bạn trà là có được người tri kỷ. Rót trà ra mời bạn cũng cần lưu ý, nếu có chén tống thì rót ra chén tống trước rồi mới rót ra các chén nhỏ hơn, gọi là chén quân. Còn nếu không có chén tống thì phải rót lần lượt từng ít một vào từng chén quân, rồi xoay vòng rót ngược lại. Như thế, các chén trà sẽ có độ đậm đà tương tự nhau chứ không phải chén quá đậm, chén quá nhạt. Khi rót thì thấp tay một chút cho dòng nước chảy vào chén. Với người Việt, mời trà thì mời từ người lớn tuổi nhất. Trà rót ra phải uống ngay khi còn nóng và phải thưởng trà bằng tất cả giác quan: tay cầm, mắt nhìn, mũi ngửi, tai nghe, lưỡi nếm ...Trà đã chạm đến mọi giác quan và cảm xúc của con người.
Hôm nay tôi rất vui vì được gặp các trà nhân trong câu lạc bộ của Duy. Tôi không có nhiều thời gian chỉ ngồi đến 9h30 tối là phải về căn phòng nhỏ. Đêm nay trà ngấm, tôi sinh ra mất ngủ, thức dậy lại ôm vi tính miên man viết về trà, về những điều chúng tôi đã đàm đạo, nói chuyện quanh một vấn đề về văn hóa mang tính truyền thống của người Việt. Tuy không quá cầu kỳ như nghệ thuật Trà Đạo ở Nhật Bản nhưng nghệ thuật thưởng trà của Việt Nam cũng được chia thành những bước chính như chuẩn bị trà, pha trà, rót trà và tận hưởng hương vị của chén trà, trong đó mỗi bước đều phản ánh được văn hoá và truyền thống riêng biệt của dân tộc Việt, mà chúng tôi những người trẻ đang tự hào được góp phần gìn giữ nét văn hóa riêng có ấy, ngay trên quê hương của danh trà đất Việt - Thái Nguyên, mảnh đất trung du có trên 19.100 ha trồng chè nguyên liệu với sản lượng trên 200.000 tấn chè búp tươi thu hoạch hằng năm.
Chu Hồng Đông và Lê Thu Trang.
Phản hồi
Người gửi / điện thoại
© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.