16-04-2016 14:42
“Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Dù ai buôn bán gần xa. Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba ngày mười”. Viết cho năm thứ 3, con gái Chích Bông theo ba đi bái Tổ từ quê hương Thái Nguyên.
Ngày giỗ Tổ năm nay con gái của ba mẹ được hơn 30 tháng tuổi rồi. Thời gian này con rất đáng yêu khi luôn ra câu hỏi “Tại sao?”, “Vì sao lại thế?” và “Như thế nào ba ơi?”! Những thắc mắc của con ba mẹ có câu trả lời được, có những điều thì lứa tuổi này giải thích con cũng chưa hiểu được. Và đáng yêu hơn là khả năng bước chước của con trước mọi sự việc.
Ngày Giỗ Tổ năm nay, năm thứ 3 liên tiếp từ ngày có con ba đưa con gái đến Đình Hùng Vương, thành phố Thái Nguyên làm lễ bái Tổ. Ngày Quốc Giỗ năm nay trùng lịch nghỉ cuối tuần nên ba mẹ có 3 ngày nghỉ liên tiếp, con gái cũng lớn hơn rồi nhưng một hành trình về đất Tổ Phú Thọ vẫn khó thu xếp cho cả nhà và quan trọng hơn, những ngày này đất Tổ đông du khách thập phương để an toàn cho con, một lễ bái vọng từ quê nhà Thái Nguyên vẫn được ba mẹ ưu tiên chọn dịp này. Ba mẹ vẫn nghĩ, việc thờ cúng, lễ bái lòng thành là điều quan trọng.
Lễ bái có ý nghĩa là báo ơn, tạ ơn với cung cách quy ngưỡng hướng về, cũng như noi gương đức hạnh cao quý và ý chí siêu thoát của các bậc tôn kính để tu tập. Người lễ bái mong cầu sau này kế thừa xứng đáng sự nghiệp của tiền nhân trên con đường giác ngộ khổ đau sinh tử. Lễ bái là một nét đẹp văn hóa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, cho nên trong mỗi con người nói chung và người Phật tử nói riêng không thể thiếu nghĩa vụ với nghi cách lễ bái cao đẹp này.
Đạo làm con, làm người sau này ba mẹ mong con gái sẽ thành thạo việc thờ cúng và lễ bái, vì đó là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời nay của người dân Việt mình. Không cần mâm cao, cỗ đầy, lễ vật nhiều và khoa trương con ạ, chỉ cần đầy đủ, ý nghĩa của từng thứ vật phẩm thờ cúng và thành tâm hướng về là tiền nhân sẽ chứng. Lễ bái không phải là dịp để “hối lộ” thần linh hay tổ tiên con gái nhé. Sự chân thành, đơn giản, đúng lễ sẽ tự sinh ra nghĩa.
Từ tâm niệm ấy, nên sáng nay một sáng cuối Xuân, chớm Hạ, ba mẹ đưa con đi làm lễ bái Tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ và lễ tri ân 18 vị vua Hùng đã có công dựng nước từ một ngôi Đình tại Thái Nguyên.
Nhiều bạn nhỏ cũng được ba mẹ cho đi lễ dịp này, con và các bạn dù rất nhỏ nhưng trước anh linh của các bậc tiên tổ, các con đã rất thành kính chắp tay vái lạy, bái Tổ.
Sau đó con được ba mẹ cho đi theo đám rước của phần hội. Điều làm con thích thú là màn múa Lân – Rồng.
Và hình ảnh tái hiện 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi để trị vì hai phần đất liền và biển đảo của tổ quốc thân yêu hình chữ S này.
Buổi cho con đi Bái Tổ và dự lễ giỗ Tổ của ba mẹ trong một buổi sáng tại ngay quê hương Thái Nguyên khép lại. Cái mà ba mẹ hy vọng đọng lại được trong con đó là biết yêu văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt. Cứ đều đặn mỗi năm “ngày mười tháng ba” lại đưa con về lễ. Vào cuối giờ sáng khi đồng loạt báo và truyền hình đưa tin về lễ Giỗ tổ tại đất tổ Phú Thọ với cảnh tượng “Trẻ em khóc, người lớn ngất xỉu trong biển người chờ dâng lễ đền Hùng” ba mẹ mới thấy mình may mắn khi chưa cho con đi về đất Tổ làm lễ dịp này mà vẫn đạt được những tâm nguyện về giáo dục con gái của mình về tình yêu quê hương, yêu nòi giống và tự hào dân tộc.
Chu Hồng Đông (Mùng 10 tháng 3 âm lịch Bính Thân)
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.