Đăng nhập
WEBSITE CÁ NHÂN CỦA TÁC GIẢ CHU HỒNG ĐÔNG. NƠI LƯU GIỮ VÀ GIỚI THIỆU CÁC BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ. CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐÓN ĐỌC CÁC BÀI VIẾT TRÊN TRANG NHÀ CỦA CHU HỒNG ĐÔNG. XIN GHI RÕ TÊN TÁC GIẢ KHI SỬ DỤNG LẠI CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE




Từ khóa
Danh mục

NẮNG XUÂN ẤM PHƯƠNG NAM 2016 (Phần cuối).

04-03-2016 16:25

Phần thứ ba: Vũng Tàu biển hát chiều xuân!

Đông Nam Bộ là một trong hai phần đất của miền Nam, có tên gọi khác ngắn gọn  là Miền Đông. Vùng Đông Nam Bộ có một thành phố và 5 tỉnh là thành phố Hồ Chí Minh, Bà rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Năm 2011, tôi đã có chuyến đi tới các tỉnh Miền Tây gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Vĩnh Long. Lần trở lại miền Nam này, tôi muốn ghé thăm các địa danh của vùng Đông Nam Bộ trong hành trình của mình.

Một ngày đặc biệt, cứ 4 năm mới có một ngày 29/2, hai vợ chồng tôi rời Sài Gòn qua Vũng Tàu từ bến xe khách miền Tây. Chuyến xe khách chất lượng cao có giá cả hợp lý 95 nghìn đồng/ vé cho một khách. Xe rời bến lúc 8h30 thì 11h00, chúng tôi có mặt ở thành phố Vũng Tàu, một thành phố biển ôn hòa, xanh, xạch và tương đối đẹp. Không yêu thích bộ môn bơi lội, nên dù ra biển, chúng tôi cũng chỉ dạo qua khu công viên Bãi trước và lang thang chơi ở Bãi sau. 

 Thuê một chiếc xe taxi, hai vợ chồng tôi chạy quanh thành phố và dừng chân ở vài điểm du lịch nổi tiếng có tên trên bản đồ du lịch Vũng Tàu. Điểm dừng chân đầu tiên là Thích ca Phật đài.

Đây là một quần thể kiến trúc Phật Giáo lớn, cũng là một điểm tham quan du lịch và tín ngưỡng nổi tiếng ở thành phố Vũng Tàu. Vẻ đẹp của ngôi chùa chính là sự kết hợp rất khéo léo giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên. Đáng chú ý ở ngôi chùa này là ngọn tháp Bát Giác cao 19m và tượng Phật Thích Ca ngồi thiền trên tòa sen xây trên lưng chừng núi du khách đứng từ xa có thể chiêm ngưỡng được. Hai vợ chồng dâng hương tại ngôi tượng Phật thích ca trong quần thể chùa Thích ca Phật đài và chiêm ngưỡng ngọn tháp Bát Giác trong một buổi chiều xuân lộng gió biển...

Vãn cảnh chùa từ trên cao, xa xa nhìn về khu vực biển cả mênh mông, nơi có những đoàn thuyền đánh cá đang ra khơi hay neo động ở bến thuyền. Quần thể Thích ca Phật đài thật đẹp và uy nghiêm.

 Điều thích thú nhất  ở quần thể Thích ca Phật đài chính là không gian Phật giáo hòa quyện với thiên nhiên,  là một điểm nhấn đặc biệt có ý nghĩa nhất định nào đó đối với mọi du khách thích yên bình và du lịch tâm linh. Những tán cây cổ thụ, cây hoa đại dải dọc những con đường lên đỉnh núi.  Khuôn viên Thích Ca Phật Đài chia thành 3 cấp. Cấp 1 là Tam quan, vườn hoa đến Cấp 2 gồm khu nhà mát, nhà trưng bày và Cấp 3 là khu Phật Tích và Thiền Lâm. Tại khu vực Cấp 3, có rất nhiều tượng lớn nhỏ trong đó nổi bật nhất là tượng Kim Phật Tổ cao hơn 10m, bên trong có 16 viên xá lợi của Đức Phật. 

Bãi đã lô nhô trong quần thể Thích ca Phật đài, có hai viên đá lớn dựa nhau tựa hòn Trống Mái ở Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi tôi đã từng đi qua ... Dừng chân nghỉ tại khuôn viên Chùa Hộ Pháp trong quần thể thắng cảnh. Vợ chồng tôi may mắn gặp nhà sư trụ trì ở chùa. Ông đã dành thời gian xem tướng số cho cả hai vợ chồng vì ông thấy ở tôi một điều gì đó đặc biệt gần với nhà Phật, nhiều thứ ông nói về quá khứ của tôi đúng, nhiều thứ tôi cần thời gian để kiểm nghiệm. Chúc hai vợ chồng bình an trong năm mới, nhà sư trụ trì Chùa tặng hai vợ chồng quà kỷ niệm là hai chiếc bình hồ lô "Bình An" làm kỷ niệm.

Về Vũng Tàu, dù không là những người con miền biển, hai vợ chồng vẫn dành thời gian viếng khu Đền Thắng Tam tại 77A đường Hoàng Hoa Thám, P Thắng Tam, Vũng Tàu. Thăm viếng Ngôi Tiền Hiền và Lăng Ông Nam Hải (thờ thần cá), miếu Bà Ngũ Hành và ngôi miếu Bà.

Trên đường về trung tâm thành phố, hai vợ chồng dành thời gian dâng hương chùa Quan Thế Âm (Dân địa phương gọi là chùa Tầu). Đây là ngôi chùa nhỏ nổi bật với pho tượng phật Bà Quan Âm trắng cao 16m hướng ra biển đứng trên tòa sen, tay cầm bình Cam Lộ, với khuôn mặt hiền hòa, đức độ. Đây là một pho tượng đẹp và cũng là điểm tham quan của khách du lịch ở Vũng Tàu.

Thăm trung tâm tổ chức sự kiện và văn hóa thành phố Vũng Tàu.

Rời thành phố Vũng Tầu, theo Quốc lộ 51, hai vợ chồng tôi xuôi về thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Về Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai một ngày Xuân 2016 đúng những ngày vợ chồng em gái tôi đang chờ đón thêm thành viên mới.... Rất vui vì lâu lắm rồi hai anh em mới có dịp hội ngộ. Gặp lại cháu tôi xinh quá cơ, cô bé gần bước vào lớp 1 mà da dáng lắm rồi. Chữ viết đẹp, da trắng, môi hồng lại rất ngoan nữa. Ôm cháu gái giữa đất phương Nam mà nhớ về bé con Chích Bông ở nhà ngoài Bắc. GIờ này chắc cũng đã ngủ khì vì 21 giờ là giờ lên giường rồi...! Nửa ngày ở Biên Hòa, dạo phố, ăn lẩu thịt dê, canh bánh đa và bún cá nấu theo phong cách Bắc (Thái Bình), nhâm nhi ly cà phê sữa đá hàn huyên chuyện ngày xưa!

 Rời Đồng Nai, Chia tay Sài Gòn, chúng tôi kết thúc hành trình xuối về miền đất nóng Phương Nam trong những ngày Xuân Bính Thân, năm 2016. Chuyến đi nhiều kỷ niệm, cảm xúc và sự khám phá. Cất vàn hành trang kỷ niệm thêm một chuyến đi ý nghĩa với bản thân, chuyến du xuân về phương Nam./.

Cảm ơn bạn đã đón đọc loạt nhật ký ba bài với chủ đề: "Nắng xuân ấm phương Nam năm 2016" của tác giả Chu Hồng Đông.

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 



Số sản phẩm : 0
Thành tiền : VND
Xem giỏ hàng

© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622 
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.

Tự tạo website với Webmienphi.vn