03-03-2016 15:00
Phần thứ hai: Sài Gòn nơi tôi đã đi qua !
Vẫn biết Sài Gòn rộng lớn và để khám phá hết Sài Gòn thì cần nhiều thời gian lắm. Nên tôi chọn thăm Sài Gòn theo cách riêng của mình. Hai vợ chồng chọn hãng taxi VinaSun dạo qua các trục đường chính của thành phố và chỉ dừng chân tại vài điểm du lịch nổi tiếng của thành phố này.
Hầm Thủ Thiêm là một đường hầm vượt qua sông Sài Gòn, đường hầm là một phần trong dự án Đại lộ Đông Tây nối Quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với 6 làn xe được dìm dưới lòng sông, xe qua hầm trong ánh sáng vàng đẹp rực rỡ. Một công trình đẹp và được đánh giá là hầm vượt hiện đại nhất Đông Nam Á.
Là một người miền Bắc, tháng Giêng vẫn thường là tháng để đi dâng hương các Lễ Chùa, Đền. Từ tâm niệm ấy, hành trình trên đất phương Nam lần này, ngoài du lịch hai vợ chồng tôi cũng dự định thăm một số ngôi Chùa nổi tiếng của phương Nam. Điểm dừng chân tiếp theo chính là ngôi Chùa Vĩnh Nghiêm nổi tiếng ở Sài Gòn. Chùa hiện tọa lạc tại số 339 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gần cầu Công Lý, thuộc phường 7, Quận 3.
Điều ấn tượng với cả hai vợ chồng tôi là mặc dù được xây dựng ở một đô thị phương Nam, nhưng chùa mang dáng vóc, cách thờ tự của chùa miền Bắc. Các bộ phận hợp thành kiến trúc của Chùa là Tam quan, Sân chùa, Bái đường, Chính điện, Hành lang và Hậu đường. Trong đó nhà Chính điện là nơi đặt tượng Phật thích ca, hai vị Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát, còn Hậu đường là gian thờ Phật a di đà, Địa tạng bồ tát và ban thờ Mẫu, thờ Thánh.
Đang ở ngoài Bắc với những ngày lạnh 11 độ C nên hai vợ chồng tranh thủ tận hưởng cái nắng ấm phương Nam trong một buổi dạo chơi, vãn cảnh Chùa Vĩnh Nghiêm.
Cầu chúc năm mới Bình an và Phát Tài. Tranh thủ chụp hình lưu niệm cùng Kỳ lân và ông Thần tài tại chùa Vĩnh Nghiêm.
Và thưởng thức các món chay tại Nhà hàng chay tại ngay khu cạnh sân chùa.
Những nơi tôi đã đi qua ở Sài Gòn thật đẹp. Một chút thoáng cổ kính của Bưu điện Sài Gòn. Kế bên đó là Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn. Trải qua hơn 100 năm và qua 3 thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội vẫn đẹp lộng lẫy, tráng lệ và uy nghiêm; được coi là một tuyệt tác kiến trúc đô thị Sài Gòn. Đây là một công trình nhà thờ Công giáo nói riêng và tôn giáo nói chung rất đặc sắc, có quy mô thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam. Cùng với một số công trình lân cận ở Quận 1 như Nhà Bưu Điện trung tâm, Nhà hát thành phố, Bệnh viện Nhi Đồng 2…; Nhà thờ Đức Bà là một công trình tiêu biểu tạo nên bộ mặt kiến trúc đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Tranh thủ thời gian chụp hình lưu niệm với thắng cảnh đẹp của thành phố.
May mắn không bị phá hủy bởi chiến tranh như nhiều công trình khác, nhưng thời gian dường như cũng không thể làm tàn phai sự lộng lẫy của kiến trúc đặc sắc này. Là một công trình khá đặc biệt về quy hoạch - nằm giữa quảng trường, liền kề với không gian giao thông quảng trường, không hề có hàng rào và khuôn viên kế cận; nhà thờ là một điểm nhấn trong không gian đô thị; có góc nhìn đẹp từ mọi phía. Khi thi công, hầu hết những nguyên vật liệu xây dựng, trang trí đều được chuyển từ Pháp sang như gạch xây, ngói, sắt thép, xi măng, kính màu trang trí và các kết cấu, phụ kiện kim khí. Mê mẩn với vẻ đẹp của nhà thờ, hai vợ chồng đã tranh thủ lưu thật nhiều ảnh với nơi này.
và....
Nằm kề nhau qua công viên. Hai vợ chồng ghé thăm dinh độc lập lúc chiều muộn. Nắng xuân vẫn vàng reo lên mái tóc. Trời nắng nhưng không quá nóng để du khách tận hưởng vẻ đẹp của Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh.
Dinh được một vị kiến trúc sư tên Thu thiết kế xây dựng trên diện tích 4.500 m², diện tích sử dụng 20.000 m², gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của Dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng bao gồm các phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng nội các, phòng làm việc của Tổng thống và của Phó Tổng thống, phòng trình ủy nhiệm thư, phòng đại yến,... chưa kể các phần khác như hồ sen bán nguyệt hai bên thềm đi vào chánh điện, bao lơn, hành lang. Một không gian quá lớn để đi dạo trong một buổi chiều của hai vợ chồng.
Chiều buông trên Dinh độc lập
Tối ở Sài Gòn không khí dịu nhanh sau một ngày nắng. Các công viên về tối và đêm đông người đi dạo, chơi, uống cà phê hay hàn huyên nói chuyện. Buổi tối tranh thủ đi mua sắm tại siêu thị Nhật bản YEON bên Quận Bình Tân.
Sài Gòn - Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng đâu đó nhiều tuyến phố, công trình, con đường…vẫn luôn giữ được hình ảnh đẹp của ngày xưa. Là một du khách, tôi rất muốn đến để ngắm nhìn và tìm hiểu lịch sử phát triển của địa danh từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” của châu Á nhưng thời gian không nhiều. Những nơi tôi đã đi qua ở Sài Gòn chắc chắn sẽ là những dấu chân kỷ niệm để nhớ về những ngày Xuân trên đất phương Nam.
Hết phần 2. Xin xem tiếp phần ba của loạt nhật ký những ngày "Nắng xuân ấm phương Nam 2016" của tác giả Chu Hồng Đông với chủ đề: Vũng Tàu biển hát chiều xuân!
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.