Đăng nhập
WEBSITE CÁ NHÂN CỦA TÁC GIẢ CHU HỒNG ĐÔNG. NƠI LƯU GIỮ VÀ GIỚI THIỆU CÁC BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ. CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐÓN ĐỌC CÁC BÀI VIẾT TRÊN TRANG NHÀ CỦA CHU HỒNG ĐÔNG. XIN GHI RÕ TÊN TÁC GIẢ KHI SỬ DỤNG LẠI CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE




Từ khóa
Danh mục

KHAI BÚT XUÂN BÍNH THÂN 2016

18-02-2016 15:20

10 năm viết về Xuân, có lẽ Xuân này là một mùa xuân thái hòa nhất vì mọi thứ đến với ba mẹ và con gái vừa đủ để cảm nhận về mùa xuân yên bình, hạnh phúc. Xuân Bính Thân năm 2016. Ba lại nhẹ nhàng đặt bút viết về mùa đẹp nhất của năm. Mùa xuân năm nay ba chọn chủ đề: XUÂN THÁI HÒA.

XUÂN THÁI HÒA (Bính thân 2016).

Có lẽ ba là người kém may mắn trong sức khỏe khi cận Tết lại nhận thêm cái bệnh án Viêm phế quản phổi và phải tiêm kháng sinh liên tục trong 10 ngày. Tính từ ngày tiêm thuốc đến hết mùng 3 Tết mới trọn 10 ngày điều trị. Ai từng tiêm kháng sinh rồi đều biết, ngoài đau về thể xác là sự mệt mỏi, ê ẩm những ngày thuốc ngấm ... Nhưng bàn mãi về chuyện sức khỏe để làm gì khi Xuân đang cận kề ngoài ngõ. Số mệnh con người ai rồi cũng có lúc thăng trầm về các mặt như tài chính, công việc hay sức khỏe. Xuân đến, ba gói những chuyện buồn lại để cùng con gái và gia đình đón Tết, đón năm mới Bính thân.Theo vận khí năm Thân, sao Nhị Hắc đến giữa nhà chắc chắn cũng sẽ điều không tốt về sức khỏe. Hóa giải những việc này, sau trao đổi với những người bạn vong niên của ba am hiểu về văn hóa, tập quán và Hán Nôm, ông đã khuyên ba chọn trang trí nhà đón năm mới bằng chữ ĐỨC. Để nối dài chữ PHÚC mà ba đã chọn trang trí nhà năm Ất Mùi 2015.  

Trong quan niệm dân gian, những chữ được thờ cúng phải kể đến như: Phúc – Lộc – Thọ – Đức – Tâm – Nhẫn ... Nhưng xét cho cùng, trong cuộc đời này ĐẠO ĐỨC mới là điều quan trọng, nó là cái gốc để sinh Tâm, sinh Phúc, sinh Lộc rồi Thọ.  Trong lĩnh vực tâm linh và Phật giáo, chữ ĐỨC cũng được nhà Phật coi trọng và đức Phật Thích Ca có ba đức mà mỗi người trong chúng ta khi quỳ lạy trước Ngài thường ca tụng và cầu xin đó là:  Bi Đức, Trí Đức và Tịnh Đức. Ba chữ Đức ấy của nhà Phật hiểu nôm na thế này con gái ạ: "Bi đức" là tình thương bao la, là lòng trắc ẩn. "Trí đức" là trí tuệ cao cả không gì sánh bằng như trí tuệ của Phật tổ. "Tịnh đức" là trước sau, tâm của Phật vẫn như như vậy, không thay đổi. Con gái của ba 3 tuổi rồi, tuổi bắt đầu biết học hành và tiếp thu nhận thức. Chữ đầu tiên ba muốn dạy cho con đấy là chữ Đức. Tài thì mỗi người một khác nhau nhưng có Đạo Đức con mới phát huy được hết cái Tài ấy trong mình. 

Từ những tâm niệm ấy, trang trí nhà năm nay và những năm về sau ba mẹ chọn chữ ĐỨC để cùng con xây dựng những nền tảng ban đầu về nhân cách con người.

Gần Tết không gian nhà mình đã ngập trong những sắc vàng, đỏ và những chữ ĐỨC. Những mầu mang tính dương và vẫn thường được quan niệm là mang lại may mắn cho năm mới. Một năm mà ba chọn viết về "Xuân Thái Hòa". Tản mạn đôi dòng về cụm từ ấy để sau này con gái thêm hiểu về văn hóa Việt và Tết truyền thống. "Xuân" là thời hay xuân thì, là đương độ xuân xanh. Tết mang theo cảm thức đỉnh cao của ý niệm thời gian. Do đó, Tết là cảm quan cực độ của "Hòa hợp", hòa hợp tất cả: Con người, sinh vật và môi trường thiên nhiên. “Thái”, thì cần bền lâu, nhờ cuộc sống và sinh thái hài hòa, yên bình. Tết năm nay có lẽ là cái Tết yên bình nhất trong ba mẹ. Không ồn ào tiệc tùng lãng phí, không chơi hoa đắt tiền, không phô trương, không du lịch hay dự các lễ hội Xuân mà vẫn đảm bảo mang đậm chất Xuân và Tết về cho con gái Chích Bông.

 Tết đến từ ngày hai ba tháng chạp đưa Táo quân về trời. Vẫn mũ hài quần áo, vẫn mâm cúng cơm và 3 con cá chép đỏ như những năm nào. Truyền thống ngàn năm đâu bỏ được. Con gái đã được cùng ba mẹ chuẩn bị mâm cúng tiễn Táo quân. Dân gian vẫn tâm niệm, sau ngày 23 tháng Chạp các thần linh đi vắng nên mới cho con cháu dọn sửa ban thờ. Cũng theo quan niệm ấy, sau ngày Táo gia đình mình về tiên giới, ba mẹ cùng con bắt tay vào dọn và trang trí không gian thờ cúng của gia đình. Ba mẹ đã chọn bộ cuốn thư câu đối "Quang Lưu Đức" để trang trí ban thờ. Ý nghĩa của cuốn thư là: Đức sáng muôn đời, hay đức tốt được lưu giữ và tỏa sáng mãi mãi hay đức trạch cao đầy thì ảnh hưởng sâu rộng, con cháu được hạnh phúc đời đời. Ngoài ý nghĩa làm đẹp cho ban thờ tổ tiên, thể hiện cái thành ý của con cháu với  các bậc sinh thành, ba mẹ muốn nhắc con rằng:  Sống có ĐỨC thì đời sau được rạng ranh và quang phát. Đạo đức là vốn quý nhất trong cuộc sống này.

Đêm giao thừa đến. Đêm ấy ba mỏi và đặt lưng đến cận giao thừa mới thức giấc. Lễ giao thừa được cử hành ở ngoài sân trước và trong nhà sau. Lễ cúng ngoài trời phải làm trước nhằm “nghênh tân, tiễn cửu” tức là đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ. Lễ cúng giao thừa ngoài trời sẽ có xôi gà và hoa quả, riêng lễ cúng này không cần dùng bát hương mà có thể cắm hương vào các đồ lễ cúng. Lễ trong nhà được cử hành sau. Giao thừa là thời khắc được chờ đợi nhất trong năm, đó không chỉ đơn giản chỉ là thời điểm tiễn năm cũ, đón năm mới mà đây còn là lúc mọi người cầu sự bình an, may mắn, thịnh vượng và xua đi những khó khăn, đen đủi trong một năm sắp tới. Thành kính trước ban thờ gia tiên trong giây phút giao thừa, ba cầu chúc an bình đến mọi người trong gia đình và con gái của ba hay ăn chóng lớn, học hành chăm chỉ nên người.

Xuân đã về bên gia đình. Mọi góc nhà đã ngập trong sắc Xuân. Nhưng sắc xuân mãnh liệt nhất có lẽ phải kể đến cành đào. Hai năm nay nhà mình chọn trang trí nhà bằng cành đào phai thay cho sắc Bích đào truyền thống. Sức quyến rũ của đào phai trên hết vẫn là giữ được nét tự nhiên, cái mà con người thường mong ước, hướng tới. Một cành đào đẹp để trong nhà, ngoài sự thể hiện con mắt thẩm mỹ của gia chủ, còn toát lên giá trị truyền thống của dân tộc được bảo lưu, giữ gìn. Vẻ đẹp tự nhiên này đã cuốn hút cả nhà. Nên giữa chợ hoa ngày tết muôn màu và đặc biệt những cây đào đủ thế, như một lẽ tự nhiên, nhà mình vẫn chọn cành đào phai chơi tết.

Trong muôn sắc hoa ngày Tết, hoa lay- ơn hay có tên gọi kiều diễm hơn là hoa kiếm lan vẫn được nhà mình chọn để trang trí Tết. Sắc đỏ mãnh liệt của hoa xua đi những điềm không may mắn. Đó cũng là ý nguyện của ba mẹ trong năm mới Bính thân này.

 Trong những sắc mầu của Tết, mầu vàng  vốn được xem là mầu của sự thịnh vượng, huy hoàng. Chọn sắc vàng cho Tết, ba mẹ chọn cắm một bình hoa địa lan vàng và cây Quất. Chữ Quất được đọc lái từ chữ CÁT trong tiếng Hoa. Chữ ấy có nghĩa là điềm tốt. Một cây Quất đẹp phải hội tụ: Hoa, quả xanh và chín, những lá non ... Hội tụ đủ những điều ấy dự báo một năm Đại Cát với nhiều điềm tốt lành và yên vui.

Không khí tết ấm áp nhất có lẽ là nồi bánh chưng xanh. Cả nhà quây quần gói bánh chưng luôn mang lại không khí tết nhiều nhất. Ấp ủ chụp cho con gái yêu của ba mẹ một bộ ảnh xuân đến gần tết ba mới có thời gian thực hiện. Bộ ảnh xuân năm nay của con rất độc đáo bởi không lặp lại những cảnh chợ hoa hay vườn đào như mọi năm và nhiều bạn trẻ vẫn hay làm. Ngay trong không gian nhà ấm cúng, chiếu gói bánh chưng xanh ngày tết, con diện áo dài truyền thống cùng ba mẹ sắp nồi bánh chưng xanh. Dù vui đến đâu vẫn cảm động nhớ về câu hát "Trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má hồng..." của nhạc sỹ Trịnh Lâm Ngân trong "Xuân này con không về" trong thời chiến hay cho những ai đang xa xứ nhớ Tết ở quê nhà với "mai đào nở vàng bên nương" mong ngày đoàn tụ.

Báo Xuân. Viết báo ngày xuân là một thú chơi Tết mới của ba. Ba nhớ năm con gái chào đời, ba đã dành nhiều yêu thương viết về con gái trên tạp chí dành cho bà mẹ tuyệt vời, tạp chí Bầu số báo tết. Ngày ấy cuốn tạp chí nhỏ đã trở thành món quà xuân ba mẹ tặng mọi người. Thời gian sau thì ba tiếp cận nhiều hơn với báo điện tử vì sức mạnh của công nghệ thông tin luôn nhanh và cập nhật hơn. Tối 30 tết sau bữa cơm tất niên ba đã dành viết nhật ký về Tết cho con gái. Ngày sau đó, báo tiếng Việt nhiều người xem nhất VNExpress đã giúp ba chia sẻ những yêu thương đấy đến cộng đồng độc giả của báo với chủ đề "Tết của trẻ lên ba". (Ba dẫn đường link để đọc tâm sự ấy: http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/tet-cua-tre-len-ba-3353925.html). 

Du Xuân. Những chuyến xuất hành đầu năm nay của ba mẹ chính là các Chùa và Đền thiêng trong tỉnh Thái Nguyên. Quan niệm về đi lễ chùa ngày đầu năm thống nhất ở điểm là cầu an bình trong năm mới. Sau phút giao thừa, ba mẹ đã có chuyến dâng hương Đền Xương rồng và Chùa Hồng Long tự. Chọn hai địa chỉ này bởi đây là hai ngôi Đền và Chùa ở ngay trên địa bàn phường nhà mình. Những ngày sau đó trong tết, ba mẹ đều dành thời gian dâng lễ các Đền chùa quanh địa bàn tỉnh theo 4 hướng Bắc, Nam, Đông và Tây. Ba mẹ rất vui vì sau nhiều năm đây là lần đầu ba mẹ dâng hương tại nhiều đền và chủa cổ kính của tỉnh, kể đến như: Hệ thống đền chùa cầu Muối huyện Phú Bình, hệ thống đền thờ thánh Dương Tự Minh dọc QL3 lên tỉnh Bắc Kạn, Đền Long Giàn huyện Đồng Hỷ thờ Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị và Thờ đức Hoàng Mười, thờ quan Đệ Nhất, bên trái thờ quan Đệ Nhị, bên phải thờ quan Đệ Tam và thờ Hoàng Bẩy, Hoàng Bơ.... Và chuyến du xuân qua Đền Hích, Phủ chúa bà Đệ nhị, Đền ông Bẩy Đá thiên huyện Đồng Hỷ ...  Thật bình an những ngày thư thái dâng lễ các Đền, chùa và phủ nổi tiếng của tỉnh nhà. Sau nhiều năm nghiên cứu thêm về Đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ tam tứ phủ, việc dâng hương và làm lễ của ba mẹ đã ý nghĩa thêm rất nhiều. Và tự hào ngay trên chính mảnh đất trung du Thái Nguyên quê mình cũng có những nơi đất thiêng liêng để học đạo. 

Tết là để đoàn viên bên gia đình. Những bữa cơm ngày tết luôn đủ vị với: Canh măng, canh mọc, bát miến, dưa hành, thịt mỡ và bánh chưng xanh...  Cả nhà quây quần đoàn viên bên mâm cơm ngày tết. 

Khúc nhạc xuân. Năm nay có lẽ là một năm đặc biệt. Thay bằng những khúc nhạc xuân truyền thống hay những phim hài như Táo quân của VTV, ba mẹ hay mở nhạc hát văn theo làn điệu chèo truyền thống. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu bóng của tín ngưỡng Tứ phủ trong Đạo mẫu  và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo). Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt, nghiêm trang, chầu văn với những lời ca mang tính giáo dục cao, nhất là những đoạn ca ngợi về công lao hay ca ngợi, dăn dạy người ta về ĐẠO ĐỨC. Trong khói nhang thơm của ngày tết, phảng phất những tiếng xênh, tiếng phách, tiếng hò ... thật lưu luyến lòng người. Xuân an bình và thái hòa qua từng cả câu hát .... "Hò ơi .... ai là người có Tâm có Đức thì mới được theo quan Hoàng Mười"  hay:“…Thương ai vất vả đoạn trường. Gian nan thời càng lắm ta thương càng nhiều. Chở che, che chở mọi điều. Qua cơn bi cực sẽ tới chiều thái lai.Ta cho lộc, ta cho tài. Chiều có khi vơi, tối khi cạn nhưng sớm mai lại đầy. Nhắc ai nhớ lấy câu này. Càng nhiều Tâm Đức thì càng dày vinh hoa …”

Tục Hóa vàng. Tết nguyên đán vẫn thường kéo dài trong ba ngày. Ngày mùng ba các gia đình thường làm lễ hóa vàng hết tết. Sau 3 ngày Tết, các gia đình Việt thường sẽ làm một mâm cơm, rồi đốt vàng mã tiễn gia tiên về trời sau một thời gian đã về ăn Tết cùng con cháu. Bên cạnh ý nghĩa đó, lễ hóa vàng còn mang ý nghĩa đón Tài thần và Hỷ thần từ thiên đình về với gia đình mình. Một năm mới những ước nguyện về sự no ấm, an vui.  

Những bụi tàn tro của tiền vàng ba ngày tết  bay lên cũng là lúc Tết nguyên đán đang dần khép lại. Chút lưu luyến nhẹ ngang qua lòng người. Mười năm cầm bút viết về xuân và tết của ba vẫn chưa bao giờ cạn nguồn vì Xuân là mãi mãi. Từ ngày có con gái, mùa xuân cũng là mùa viết để lưu bút cho con. Lưu lại kỷ niệm về Tết. Dạy con sau này yêu văn hóa truyền thống và giữ gìn những bản sắc của dân tộc.

Xã hội đã tiến bộ hơn rất nhiều. Việc thờ cúng trong gia đình không còn là việc của riêng con trai và gánh đàn ông nữa. Dù là phận gái việc thờ cúng gia tiên và ông bà vẫn là trách nhiệm chung của con cháu. Ba tự hào vì có Chích Bông là Trưởng nữ. Sau này con nhớ nhé, chỉ có không thờ cúng gia tiên mới là bất hiếu còn trách nhiệm giữ hương lửa, tưởng nhớ cội nguồn là ĐẠO của mọi người làm con, không phân biệt trai hay gái. Ba tự hào về Trưởng nữ của ba dù mới lên 3 tuổi nhưng cũng đã thành tâm chắp tay trước ban thờ tiên tổ. Xuân đã về không chỉ thái hòa với đất trời và cả lòng người cũng thấy an vui và hạnh phúc. 

 Khai bút năm Bính thân ba mẹ lại thêm một lần cùng con dệt kỷ niệm bằng những bài viết về Xuân và Tết. Cầu chúc năm mới với nhiều niềm an vui, hạnh phúc và may mắn.

Chu Hồng Đông - Khai bút Xuân Bính thân 2016.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 



Số sản phẩm : 0
Thành tiền : VND
Xem giỏ hàng

© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622 
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.

Tự tạo website với Webmienphi.vn