Đăng nhập
WEBSITE CÁ NHÂN CỦA TÁC GIẢ CHU HỒNG ĐÔNG. NƠI LƯU GIỮ VÀ GIỚI THIỆU CÁC BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ. CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐÓN ĐỌC CÁC BÀI VIẾT TRÊN TRANG NHÀ CỦA CHU HỒNG ĐÔNG. XIN GHI RÕ TÊN TÁC GIẢ KHI SỬ DỤNG LẠI CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE




Từ khóa
Danh mục

BIỂN NHỚ TRỊNH CÔNG SƠN

Nhân kỉ niệm 10 năm ngày mất nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, tác giả Chu Hồng Đông viết cảm nhận về dòng nhạc của ông thay một nén tâm hương, thành kính thắp trước linh hồn ông, người nghệ sỹ tài hoa mang họ Trịnh.

Biển nhớ Trịnh Công Sơn

Những ngày đầu tháng Tư này, người Việt khắp nơi trên thế giới tưởng nhớ 10 năm ngày mất ông (1/4/2001 – 1/4/2011) bằng nhiều hoạt động từ xuất bản sách (Ông là một nhà thơ), triển lãm tranh (Ông là một họa sỹ) và nhiều đêm nhạc (Ông là một nhạc sỹ). Đó là Trịnh Công Sơn. Tôi với cách tưởng niệm riêng của mình, đó là ngồi nghe chỉ 1 bài nhạc thôi trong di sản 600 bài hát ông để lại đó là BIỂN NHỚ qua nhiều sự thể hiện: Là Biển nhớ tha thiết qua tiếng hát Khánh Ly, là Biển nhớ trầm buồn qua tiếng hát Tuấn Ngọc, Quang Dũng, là Biển nhớ da diết qua tiếng kèn Saxophone của Trần  Mạnh Tuấn và là một Biển nhớ mong manh, đơn độc, tủi hờn để “gió lộng mà thương” qua tiếng đàn Guitar qua chính bàn tay tài hoa của nhạc sỹ độc tấu … Bao cung bậc khác nhau ấy từ chỉ một ca khúc ông viết để lại cho đời này mà thôi …Biển nhớ. Nhân mười năm mất ông, tôi viết những dòng cảm nhận của riêng mình để tri ân với người nằm xuống, thay một nén nhang thơm thắp trước linh hồn ông, một chút lòng thành của một con người trót mang trong mình tình yêu với nhạc Trịnh. Nghệ sỹ - điều sợ nhất là chết cùng sự lãng quên của người đời khi họ không còn nữa. Xưa Đại thi hào Nguyễn Du cũng một lần tự bạch “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa. Thiên hạ ai người khóc Tố Như”. Những nghệ sỹ đều lo một ngày khi “đỉnh cao” qua rồi là “vực sâu” ùa tới. Trong cái bóng tối của “địa đàng”, họ không còn ai nhắc tới. Người đời lãng quên họ, thời gian bôi xóa cống hiến của họ, cái điều họ cách tân trong lối sáng tác của họ tại thời điểm ấy trở thành cái cũ trong xã hội mới. Người ta hay xếp những tác phẩm như thế vào loại sáng tác Sáo rỗng, giáo điều, tuyên truyền chẳng hạn. Hay viết một cái chung chung để đảm bảo thời nào cũng đúng, cũng dễ nghe thì lại  bị đưa vào khu nhạc Sến. … Riêng với nhạc Trịnh – Hình như nó đã vượt qua cái giới hạn ấy. Thời điểm nào đến với nhạc của ông, dù là hồn chung vẫn thế nhưng tình riêng mỗi người một cảm nhận. Thời gian không làm cũ nó mà ngược lại. Nó được mới lên qua tầng lớp ý nghĩa mà mỗi người nghe phát lộ, qua các cách thể hiện qua bao ca sỹ các thế hệ tiếp nối nhau với nhiều cung bậc, qua những sự hòa âm mới trên cung điệu cũ. Vì thế nó không giáo điều khó nghe, cũng không quá dễ dãi, ủy mị đến Sến để làm  yếu lòng người. Phải chẳng vậy, 10 năm ông đi rồi, “thiên hạ” này vẫn giành cho ông một “biển nhớ nhung” đến kỳ lạ, một luyến tiếc đến khó cầm lòng. Cùng thao thức với biển nhớ …

Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về

Gọi hồn liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya

 Ngày mai em đi, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ

Sỏi đá trông em từng giờ, nghe buồn nhịp chân bơ vơ

Ngày mai em đi, biển nhớ em quay về nguồn

Gọi trùng dương gió ngập hồn, bàn tay chắn gió mưa sang

 Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đêm mờ

Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn

Hôm nào em về, bàn tay buông lối ngõ

Đàn lên cung phím chờ sầu lên dây hoang vu

Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về

Chiều sương ướt đẫm cơn mê

Trời cao níu bước sơn khê

Ngày mai em đi, cồn đá rêu phong rũ buồn

Đèn phố nghe mưa tủi hồn, nghe ngoài trời giăng mây luôn

Ngày mai em đi, biển có bâng khuâng gọi thầm

Ngày mưa tháng nắng còn buồn, bàn tay nghe ngóng tin sang

Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng

 Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương….

Mười chín câu hát, sáu lần ông lặp lại một cuộc chia tay với một người con gái, đó là “Ngày mai em đi”. Xưa, có người bảo người con gái yêu kiều dáng liễu ấy là Bích Khê, và được ông khéo léo ghép vần trong câu hát để trở thành  “Trời cao níu bước sơn khê”. Sơn – Tên ông và Khê là Bích Khê bạn ông. Nhạc sỹ xa rồi, câu truyện ấy nằm lại, tôi thì vẫn thích hiểu câu hát ấy theo cách của riêng mình. Đó là sự quyến luyến của thiên nhiên mà lòng người tức cảnh tạo thành. Sơn khê (ngoài tên của hai người yêu nhau ấy) có nghĩa là khe núi. Ngày mai em đi, chiều buông sương, như phong kín không gian lại, mây trời cao tít cũng bị núi non này “níu bước” không muốn chia lìa. Không gian như vậy mà ngày mai em đi. Chia ly có bao giờ vui được, biển da diết nhất khi em rời xa ấy. Biển nhớ tên em gọi về; Biển nhớ em quay về nguồn; Cồn đá rêu phong rũ buồn; Biển có bâng khuâng gọi thầm … Biển được nhân cách để biết nhớ nhung, gọi về. Rồi em thì xa thật, tiếng biển vẫn “bâng khuâng gọi thầm” mong em về nguồn. Cái cội nguồn của tình yêu vì nó xuất phát từ biển quê hương.

Miền bắc mùa xuân lạnh lắm, người ta ít tìm đến biển mùa này. Tôi có một may mắn là được ngắm biển mùa xuân, khi một ngày đầu tháng 3 năm 2011 được về Nam Định du xuân.  Đêm ở một thị tứ nhỏ ven biển thầm lặng, ánh sáng đèn đêm mờ tỏ, tiếng sóng vì thế nghe cộm lên, rõ một một. Sóng biển đúng là như cất tiếng vậy, ai đã nghe quen rồi, xa biển chắc càng thêm nhớ. Sáng ở biển sương giăng mờ bờ cát, đi dọc con đê dài quanh bãi, thấy lòng mình thổn thức bài Biển nhớ của Trịnh Công Sơn. Chợt nhớ về một cuộc tình đã xa cũng từ biển. Em và tôi đã xa nhau từ ấy, có khi nào trong cuộc sống này, bắt gặp tiếng sóng biển, em nhớ về kỷ niệm một cuộc tình ấy không.

Ngày mai tôi về lại Thái Nguyên, xa biển Nam Định, cũng hết mùa xuân mất rồi (tháng ba rồi mà) nên nghe câu kết của Biển nhớ “Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương” thấy xúc động trong lòng quá. Sang 29 tuổi rồi, xa em đã nhiều năm, tôi vẫn còn một bóng. Thương cho mình chăng khi “nghe trời gió lộng” mà áo chăn không che ấm nổi kiếp người?

Cảm ơn Trịnh đã thêm một lần giúp tôi gặp được lòng mình, ngoài Diễm Xưa mà tôi thường hay hát, còn có một nỗi nhớ dịu êm mang tên của Biển. Dù đất nước chữ S này trên 3.444 km bờ biển, thì vẫn còn 1 bờ biển riêng mang tên: Biển nhớ Trịnh Công Sơn .

Bài và ảnh : Chu Hồng Đông. Viết ngày 1 tháng 4 năm 2011

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 



Số sản phẩm : 0
Thành tiền : VND
Xem giỏ hàng

© Bản quyền các bài viết trên trang này thuộc về tác giả: Chu Hồng Đông
Địa chỉ: Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam
Email: chuhongdong2@gmail.com
Điện thoại liên hệ (Vinaphone): 0916496622 
Ghi rõ tên tác giả khi sử dụng lại các bài và ảnh trên trang này vào mục đích thương mại.

Tự tạo website với Webmienphi.vn